Lập cơ quan thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa
Với 413/422 đại biểu có mặt tán thành, chiều 23/11, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.
Theo Luật Di sản văn hóa sửa đổi, cơ quan thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa được thành lập ở cơ quan tham mưu, giúp quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở Trung ương để thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa, thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.
Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa.
Cần đội ngũ thanh tra chuyên sâu
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết một số ý kiến nhất trí quy định về thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa tại dự luật. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này.
Theo ông Vinh, sau kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, gửi văn bản đề nghị Chính phủ có ý kiến đề xuất phương án về sự cần thiết thành lập thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo luật hay quy định tại nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nếu có thành lập thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa.
Chính phủ đã xem xét kỹ lưỡng, thống nhất đề xuất quy định về thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa tại dự thảo Luật, vì quản lý nhà nước về di sản văn hóa là lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng.
Di sản văn hóa ở nước ta rất đa dạng về loại hình, tính chất, giá trị, quy mô nên rất cần đội ngũ thanh tra chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ để bảo đảm thực thi hiệu quả việc phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Mặt khác, các hoạt động tu bổ di tích, thăm dò, khai quật khảo cổ, thực hành di sản, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa diễn ra liên tục, thường xuyên trên phạm vi cả nước, nhưng trên thực tế, một số vi phạm chưa được xử lý hoặc xử lý chưa thỏa đáng, vẫn còn có hiện tượng bị mất di vật, cổ vật; di sản bị xâm hại, làm sai lệch; địa điểm khảo cổ không được bảo vệ…
Lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa
Về quỹ bảo tồn di sản văn hóa, theo ông Vinh, một số ý kiến nhất trí thành lập quỹ này nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ cho một số hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Có ý kiến đề nghị cân nhắc không thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Có ý kiến đề nghị cho phép tổ chức tôn giáo thành lập quỹ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc. Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm, bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, tuy nhiên kết quả còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa là cần thiết, tạo cơ chế để huy động thêm các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được.
Quỹ bảo tồn di sản văn hóa sẽ hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đặc biệt, mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước...
Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác; ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của quỹ.
Luật quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập. Còn ở địa phương, quỹ này do Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn, khả năng huy động các nguồn lực xã hội và tính hiệu quả của quỹ để quyết định việc thành lập.
Luật Di sản văn hóa sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.