Đắk Lắk công bố Bảo vật quốc gia và xác lập 3 kỷ lục
Tối 22/11, tại Quảng trường 10/3, UBND tỉnh Đắk Lắk long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm hình thành và phát triển (22/11/1904 - 22/11/2024). Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự và phát biểu tại buổi lễ.
Tham dự buổi lễ còn có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và lãnh đạo các ban, ngành Trung ương, địa phương cùng hàng chục nghìn người dân.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, để chúng ta cùng ôn lại truyền thống vẻ vang và thể hiện niềm tự hào về những thành tựu đã đạt được trong suốt chặng đường 120 năm qua; xác định tầm nhìn chiến lược phát triển trong chặng đường tiếp theo; góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, tạo động lực ra sức thi đua xây dựng quê hương Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc.
Đắk Lắk có diện tích tự nhiên, dân số thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; có diện tích và sản lượng cà phê, tiêu, sầu riêng đứng hàng đầu cả nước; là đầu mối giao thông quan trọng của Tây Nguyên. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Trải qua quá trình lịch sử 120 năm thành lập và phát triển, đến nay Đắk Lắk đã trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
“Trong chặng đường sắp tới, để hiện thực hóa được mục tiêu, khát vọng được Trung ương và tỉnh xác định, quán triệt sâu sắc, toàn diện, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc quan điểm, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững; đảm bảo quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”, ông Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu mốc lịch sử 120 năm hình thành và phát triển vùng đất Đắk Lắk, một tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Đắk Lắk từ một vùng đất hoang sơ, nghèo nàn, lạc hậu, chỉ “có cái nắng, có cái gió”, Đắk Lắk ngày nay đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được nâng lên.
Thời gian tới, để vươn mình phát triển bền vững, xứng đáng với vị trí trung tâm và điểm động lực chính của vùng Tây Nguyên, tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025); đặc biệt là Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, phấn đấu đến năm 2050 Đắk Lắk “trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống”;
Huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao… Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, liêm chính, hành động, vì nhân dân phục vụ.
“Phải luôn xác định nhiệm vụ vun đắp, gìn giữ, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc là “chìa khóa” để xây dựng địa phương ngày càng bình yên, ấm no, hạnh phúc, cũng là khát khao của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, rằng “Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xê Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận "Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai" là Bảo vật quốc gia. Đây là một phát hiện khảo cổ học quan trọng, chứa đựng những hiện vật tinh xảo và độc bản. Theo các nhà khảo cổ học, di chỉ này thuộc giai đoạn Hậu kỳ Đá mới, có niên đại 3.000 - 4.000 năm. Đây được xem là công xưởng chế tác mũi khoan đá duy nhất ở Tây Nguyên, minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật chế tác đá thời kỳ tiền sử.
Trong khuôn khổ buổi lễ, Viện Kỷ lục Quốc gia đã công bố 3 kỷ lục quan trọng, tôn vinh những tiềm năng và thế mạnh của Đắk Lắk: Tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất Việt Nam: Với diện tích 212.106ha, Đắk Lắk khẳng định vị thế là thủ phủ cà phê của cả nước; Hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên: Hồ Lắk, với diện tích hơn 500ha, là nguồn nước quý giá và địa điểm du lịch nổi tiếng; Vườn quốc gia bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp lớn nhất Việt Nam: Vườn quốc gia Yok Đôn nổi bật với hệ sinh thái rừng khộp đặc trưng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.