Chuyên gia dự báo gì về giá vàng năm 2025?
Giới phân tích cho rằng giá vàng thế giới sẽ chịu tác động tiêu cực từ rủi ro kinh tế và chính trị. Đồng thời, cảnh báo nhà đầu tư vàng cần chuẩn bị tâm lý trước nhiều rủi ro giảm giá đáng kể trong năm tới.
Năm 2024, giá vàng đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại và ghi nhận biến động dữ dội chưa từng có. Thời điểm lập đỉnh cao kỷ lục lên tới gần 2.800 USD/ounce nhưng chỉ sau 1 tuần lại lao dốc "không phanh", còn 2.550 USD/ounce và đang có xu hướng hồi phục.
Sang năm 2025, những bất ổn kinh tế và địa chính trị sẽ tác động tiêu cực lên giá vàng thế giới. Giới phân tích cảnh báo do kinh tế toàn cầu chưa hết suy thoái và tác động từ chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cùng đồng USD mạnh lên sẽ tác động lên giá vàng
Các nhà phân tích tại BMI, một đơn vị của Fitch Solutions cho biết trên The Economic Times, nhà đầu tư vàng cần chuẩn bị tâm lý trước một chặng đường gập ghềnh và nhiều rủi ro giảm giá đáng kể trong năm 2025. BMI nhận thấy, vàng bắt đầu giảm kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và hiện tại, lực hồi phục của kim loại quý không mạnh.
Trong khi đó, các yếu tố hỗ trợ cho vàng đang ngày càng cạn kiệt.
Đặc biệt, trong thời gian tranh cử, ông Trump nhiều lần khẳng định sẽ đánh thuế mạnh lên các mặt hàng trong nhiệm kỳ của mình. Việc đánh thuế cao sẽ khiến đồng USD gia tăng sức mạnh, điều này hoàn toàn bất lợi cho giá vàng.
BMI lập luận, mục tiêu của Fed là cắt giảm 125 điểm cơ bản, đưa mục tiêu lãi suất về 3,5% vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, mục tiêu này của Fed còn phụ thuộc vào lạm phát, thị trường lao động và dữ liệu kinh tế - những yếu tố khiến việc cắt giảm lãi suất là không chắc chắn.
Hơn nữa, đồng USD tăng mạnh có thể gây ra rắc rối cho giá vàng. Mặc dù BMI dự kiến đồng bạc xanh của Mỹ vẫn mạnh trong giai đoạn đầu, nhưng nó có thể yếu đi khi các tài sản rủi ro toàn cầu hoạt động tốt.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị, bao gồm chiến sự Nga-Ukraine, xung đột Trung Đông và tranh chấp thương mại gia tăng dưới thời tổng thống Trump sẽ hỗ trợ phần nào đó cho vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, những yếu tố này không đủ sức mạnh giúp vàng tăng giá trong năm 2025.
Do đó, BMI dự báo giá vàng năm 2025 sẽ biến động trong phạm vi từ 2.200 đến 2.600 USD/ounce. Tương đương giá vàng trong nước (đã tính thuế phí) trong khoảng 68,3 đến 80,7 triệu đồng/lượng.
Trái ngược với dự báo của BMI, Goldman Sachs, một tập đoàn tài chính hoạt động trên phạm vi toàn cầu cho rằng, giá vàng có thể chạm mốc 3.000 USD/ounce vào tháng 12/2025 nhờ hai yếu tố chính: nhu cầu mua từ các ngân hàng trung ương, trong khi dòng tiền đổ vào các quỹ giao dịch trên sàn sẽ gia tăng theo chu kỳ khi Fed cắt giảm lãi suất. Nhu cầu sẽ đến từ các nước nắm giữ lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ, đang chuyển sang tích trữ vàng để bảo vệ tài sản trước rủi ro tài chính và địa chính trị. Khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, dòng tiền đổ vào các quỹ giao dịch vàng (ETF) sẽ tăng mạnh, hỗ trợ giá vàng.
Con số 3.000 USD/ounce trong năm 2025 tương đương giá vàng trong nước khoảng hơn 93 triệu đồng/lượng.
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua đã khiến đồng USD mạnh lên trong ngắn hạn, kéo giá vàng giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo Goldman Sachs, các chính sách kinh tế làm leo thang căng thẳng thương mại của ông Trump có thể hỗ trợ giá vàng trong trung hạn. Nếu chính quyền ông Trump tiếp tục áp dụng chính sách thương mại cứng rắn, điều này có thể kích thích các nhà đầu tư tăng cường nắm giữ vàng như một tài sản an toàn. Lo ngại về khả năng duy trì tài chính bền vững của Mỹ, nhất là với các khoản nợ quốc gia ngày càng lớn, sẽ thúc đẩy các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư tìm đến vàng.
Goldman Sachs kết luận rằng với các yếu tố như chính sách tiền tệ nới lỏng, căng thẳng địa chính trị, và sự dịch chuyển của các ngân hàng trung ương, vàng đang trở thành một trong những tài sản đầu tư hấp dẫn nhất. Goldman Sachs khuyến nghị nhà đầu tư nên “đặt cược vào vàng” trong bối cảnh thị trường đầy biến động, với kỳ vọng giá sẽ đạt mức cao kỷ lục trong vài năm tới.