GS.TS.Nhà giáo nhân dân Vũ Anh Tuấn: "Nếu có kiếp sau, tôi vẫn làm nghề dạy học"
GS-TS, Nhà giáo nhân dân Vũ Anh Tuấn (Nguyên Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam 1, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội) là một trong những nhà giáo vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
Người thầy nặng lòng với văn hoá dân gian
GS-TS, Nhà giáo nhân dân Vũ Anh Tuấn sinh năm 1950, quê xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Lược trích một số ý kiến đánh giá về thầy Tuấn trong phim " Người con Đất Việt : Người thầy giáo nặng lòng với văn hóa dân gian" trên kênh Truyền hình Nhân dân ngày 4/1/2018 như sau :
“Thầy Vũ Anh Tuấn đem được những tinh hoa của văn hóa và văn học dân gian các dân tộc thiểu số góp phần vào làm giàu và thậm chí là góp phần cải cách cho cái chương trình về văn học và văn hoá dân gian của các trường đại học. Cái chỗ ấy là cái chỗ rất là quan trọng. Và thầy Tuấn có một cái mà tôi gọi là tình yêu, mà đúng là có tình yêu thì mới làm được. Tức là thầy đi học tiếng dân tộc, sống với đồng bào dân tộc, quan sát và tìm hiểu văn học dân tộc, cho nên là một người Kinh nhưng lại có vốn liếng rất sâu về văn hóa và văn học các dân tộc. Đây chính là cái điểm mà thầy Tuấn khác với những người khác "- GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.
“Trong lĩnh vực nghiên cứu Văn học Dân gian, GS Vũ Anh Tuấn đã tiếp cận với cái hệ thống tư liệu Hán - Nôm và dựa trên cơ sở hệ thống tư liệu này để tìm hiểu sâu về mối quan hệ Văn học Dân gian – Văn học Viết . Đấy, theo tôi cũng là một cái dấu ấn của GS trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy."- PGS.TS Hà Minh khẳng định.
Lời viết tay của thầy Tuấn công bố trên Kỷ yếu 65 năm Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 1951 - 2016: "Với tôi, ngay từ khi còn rất trẻ đã có một mong muốn lớn là mình phải làm như thế nào với mỗi giờ trên lớp, để mỗi học trò của tôi sau đó trong mắt họ và trong tâm trí họ sẽ mãi còn đọng lại một dấu ấn nào đó như là những tiếng nói đầy yêu thương và đòi hỏi phải được yêu thương. Năm tháng qua đi, với Sơn La, với Thái Nguyên, với Hà Nội và giờ đây trước thềm Kỷ niệm 65 năm Khoa Ngữ Văn của chúng ta, nhớ lại và suy ngẫm tôi càng thấy gắn bó thiết tha với Khoa, với Trường, càng tâm nguyện nếu có kiếp sau tôi vẫn làm nghề dạy học", .
Ý kiến của Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá về thầy Tuấn dịp Kỷ niệm 70 năm Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội "Thầy là người mang được những tinh hoa của văn hóa/ văn học dân gian các dân tộc thiểu số đưa vào chương trình văn hóa và văn học dân gian của các trường đại học. Thầy luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn nghiên cứu khoa học cơ bản với khoa học sư phạm, gắn văn học dân gian với văn hóa dân gian và đời sống cộng đồng, gắn folklore cổ truyền với folklore hiện đại. Thầy có đóng góp lớn trong nghiên cứu, giảng dạy văn học dân gian miền núi Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên trong mối quan hệ với văn hóa các nước trong khu vực và thế giới".
Tâm trong, ý sáng
Vóc người nhỏ nhắn, linh hoạt, niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt thầy Tuấn thể hiện niềm hạnh phúc khi được đón nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đúng dịp lỷ niệm ngày truyền thống của ngành giáo dục.
Tại nhà thầy, trong phòng làm việc với không gian chứa đầy tài liệu, giáo trình, thầy Tuấn chia sẻ, với hơn 50 năm gắn bó với nghề dạy học từ năm 1972 đến nay, trải qua dạy nhiều cấp học từ cấp 2 – 3 Sông Mã, trường cấp 3 thị xã Sông Lô, về Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc và sau đó là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Với nhiều địa phương khác nhau từ huyện Sông Mã, về thị xã Sơn La, tới Thái Nguyên, rồi về công tác tại Thủ đô Hà Nội.
Thầy Tuấn nhớ lại, vào được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (2014), tự nhiên khi nói lời đáp từ, trong đầu thầy vang lên câu nói : "Nếu có kiếp sau, tôi vẫn làm nghề dạy học". Khi đó cả trong và ngoài hội trường lớn nhà K ở Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội đều vỗ tay râm ran.
"Hôm nay, khi tôi được nhận danh hiệu cao quý "Nhà giáo Nhân dân", trong đầu tôi chỉ nghĩ đến hai chữ "Tri ân". Tôi có một người mẹ hiếm có. Khi vào đầu thế kỷ trước mà bà để răng trắng, rồi được học cả tiếng Hán, học tiếng Quốc Ngữ. Bà cũng từng đi dạy học lớp bình dân học vụ. Có thể nói, bà là người phụ nữ có tình yêu đặc biệt với nghề dạy học. Tôi đã được thừa hưởng tình yêu đó từ lúc nào không hay"- thầy Tuấn chia sẻ.
“Nghề dạy học cần có sự tự nguyện. Nếu chúng ta không thể vượt qua những khó khăn, của đời thường thì nên lựa chọn một nghề khác. Muốn trở thành một tấm gương cho học trò của mình thì người thầy cần biết cống hiến đã”- thầy Tuấn nói.
Khi thầy đã ở vào tuổi U80, với hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề dạy, thầy gửi một lời khuyên với các nhà giáo trẻ: là mỗi cô giáo, thầy giáo đều phải là một tấm gương và muốn như thế cần phải tự học, tự rèn luyện suốt đời để lúc nào cũng có được tâm trong ý, sáng để vượt lên trên mọi giới hạn của đời thường, để mãi thật xứng đáng và để được xứng đáng với lời răn dạy của người xưa: Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy...