Cải cách tư pháp

Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải thiện công tác hòa giải tại Tòa án

Minh Sáng 21/11/2024 - 16:42

Công tác hòa giải và đối thoại tại Tòa án đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp dân sự, giảm tải áp lực xét xử. Nhằm hỗ trợ hiệu quả quá trình này, TAND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), đã triển khai sáng kiến "Phần mềm Hòa giải đối thoại tại Tòa án", ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý và theo dõi các vụ việc hòa giải.

"Phần mềm Hòa giải đối thoại tại Tòa án" do các tác giả Lê Nguyễn Vĩnh Hải và Phạm Hồng Xuyên, Nguyễn Kiều Khuyên, Huỳnh Ngọc Mai, Nguyễn Hoàng Quý đồng sáng kiến.

Sáng kiến này ra đời từ nhu cầu thực tiễn của hệ thống tư pháp, khi việc quản lý thủ công các vụ việc hòa giải trở nên quá tải và dễ dẫn đến sai sót.

1.png
Giao diện đăng nhập của phần mềm

Đồng thời nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án; để thuận tiện cho việc quản lý, theo dõi quá trình thụ lý, giải quyết và thống kê một số yêu cầu cơ bản phục vụ cho các vụ việc có lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Giảm bớt công việc thủ công, thực hiện các thao tác trên máy (nhập các thông tin liên quan trong quá trình giải quyết), in ra một số biểu mẫu thường sử dụng dựa trên thông tin vụ việc và yêu cầu của người thao tác.

Phần mềm được xây dựng trên nền tảng Microsoft Access 2019, kết hợp lập trình VBA để tự động hóa nhiều quy trình, từ nhập liệu, phân công án, đến xuất biểu mẫu và thống kê số liệu. Giao diện của phần mềm thân thiện, dễ sử dụng và cho phép tùy chỉnh theo nhu cầu thực tế.

19.png
Cửa sổ giấy mời và thông báo án hôn nhân gia đình

Với phần mềm này, các cán bộ Tòa án có thể thực hiện các thao tác nhanh chóng, như cập nhật thông tin vụ việc, quản lý hồ sơ, và thống kê kết quả một cách chính xác. Mỗi vụ việc được gắn mã hồ sơ riêng, tích hợp thông tin về năm, loại án và đơn vị xử lý, giúp việc tra cứu trở nên thuận tiện hơn.

Đặc biệt, phần mềm có khả năng xuất hơn 50 loại biểu mẫu nghiệp vụ theo quy định pháp luật, phục vụ đầy đủ các loại án như dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính. Ngoài ra, hệ thống cũng hỗ trợ quản lý tài khoản người dùng, đảm bảo phân quyền rõ ràng và an toàn dữ liệu.

20.png
Giao diện biên bản hòa giải, phiếu chuyển, biên bản chấm dứt hòa giải, thông báo chuyển sang Tòa án

Một điểm nổi bật khác của sáng kiến này là sự phối hợp hiệu quả giữa các chức năng. Phần mềm hỗ trợ tất cả các bên liên quan: cán bộ nhận đơn có thể nhập và phân công án; Hòa giải viên dễ dàng tạo giấy mời, biên bản hòa giải, và thống kê kết quả; Thẩm phán phụ trách có thể ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải. Các báo cáo, thống kê từ phần mềm cũng được xuất ra dưới dạng file Word hoặc Excel, đáp ứng nhu cầu quản lý và báo cáo theo nhiều tiêu chí khác nhau.

Sáng kiến này mang tính mới mẻ khi lần đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng đồng bộ trong công tác hòa giải tại Tòa án. Được triển khai từ giữa tháng 6 năm 2023 tại TAND hai cấp tỉnh Cà Mau, phần mềm đã chứng minh hiệu quả rõ rệt, giảm thiểu sai sót trong xử lý dữ liệu và tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức của cán bộ. Với khả năng áp dụng rộng rãi tại các Tòa án trên cả nước, sáng kiến không chỉ nâng cao chất lượng công tác tư pháp mà còn góp phần hiện đại hóa hệ thống tư pháp trong thời kỳ chuyển đổi số.

28.png
Cửa sổ danh sách giải quyết án của Hòa giải viên

Sự ra đời của phần mềm này không chỉ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính mà còn thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ TAND TP Cà Mau. Đây là một bước tiến quan trọng, mở ra hướng đi mới trong việc ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp Việt Nam.

Minh Sáng