Nghiệp vụ

TAND TP Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự

Mạnh Hùng 21/11/2024 - 14:10

Việc TAND TP. Hà Nội phối hợp với VKSND cùng cấp tổ chức phiên tòa xét xử phúc thẩm rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự được xem là một trong những giải pháp đột phá hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay.

img_1691_hdxx.jpg
HĐXX phúc thẩm xét xử vụ án “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”

Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ

Mới đây, TAND TP. Hà Nội đã phối hợp với VKSND TP. Hà Nội tổ chức phiên tòa xét xử phúc thẩm rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự về việc “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ” giữa nguyên đơn là ông Trương Văn H. (SN 1963) và bị đơn là ông Trương Tiến L. (SN 1946), cùng trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Phiên tòa được tổ chức tại điểm cầu trung tâm là phòng xử TAND TP Hà Nội, kết nối với điểm cầu VKSND TP. Hà Nội và 30 điểm cầu là VKSND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.

Theo nội dung vụ án, nhà thờ họ Trương Quý có diện tích đất 200m2, tại xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, đã có từ nhiều đời, là tài sản chung của dòng họ, hiện chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Trước năm 1950, nhà thờ có 3 gian gỗ lim, do ai xây dựng không rõ. Đến năm 1956, cụ Tr. (bố ông Trương Tiến L.- Trưởng họ và là người trông nom, thờ cúng) đã xây dựng 3 gian nhà tranh bên cạnh nhà thờ họ để gia đình ở. Theo tục lệ của dòng họ, cụ Tr. và sau này là ông L., anh B. (con ông L.) đều sẽ là trưởng họ.

cc55f4f6-4400-43eb-a008-476b6b00ee1c.jpeg
Toàn cảnh phiên tòa

Đến năm 1979, cụ Tr. xin phép dòng họ chuyển hướng nhà thờ vì trước đây nhà thờ xây ngang so với thửa đất, nay xây dọc theo khổ đất, hướng quay ra ngõ. Năm 1989, cụ Tr. chết. Ông L. tiếp nhận vị trí trưởng họ. Năm 2010, vợ chồng anh B. xây nhà trên 1/2 diện tích đất nhà thờ (nhà 2 tầng, 1 tum) để ở.

Vào ngày giỗ họ năm 2019 (17/12 âm lịch), cả họ bàn bạc việc hạ giải ngôi nhà thờ cũ để xây dựng nhà thờ mới khang trang, kinh phí xây dựng do các thành viên trong họ đóng góp. Ông L. và anh B. nhất trí. Sau đó, dòng họ Trương Quý tiến hành hạ giải toàn bộ ngôi nhà thờ (các thành viên dòng họ đồng thuận và có văn bản thỏa thuận với bố con ông L.), và tiến hành xây dựng nhà thờ mới trên nền nhà thờ cũ.

Khi xây gần xong móng thì ông Trương Duy N. (em ruột ông L., đã chết năm 2021) phản đối vì cho rằng, toàn bộ thửa đất là của gia đình cụ Tr. và không đồng ý xây nhà thờ theo hướng mới, yêu cầu xoay lại theo hướng cũ (như trước năm 1979) nên việc xây dựng nhà thờ phải dừng lại.

Năm 2020, khi tranh chấp chưa được giải quyết vợ chồng anh B. xây thêm 1 gian nhà để cho bố, mẹ ở. Năm 2022, bà Phạm Thị H. - vợ ông L. chết. Sau đó, sự việc xây nhà thời vẫn không được giải quyết.

126a0381.jpg
Các đương sự nghe đại diện VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án

Ngày 10/9/2022, ông Trương Văn H. đại diện dòng họ Trương Quý khởi kiện đề nghị Tòa án buộc gia đình ông L. phải trả lại dòng họ toàn bộ thửa đất tranh chấp. Việc anh B., ông L. đã xây dựng nhà từ năm 2010 cho đến nay, dòng họ vẫn đồng ý cho sử dụng, không yêu cầu phá dỡ, di dời, bồi thường hoặc thanh toán tiền trả lại dòng họ. Phần đất còn lại và móng nhà thờ xây năm 2019, 2020 thì để dòng họ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, kể cả phần sân phía trước.

Bản án sơ thẩm số 13/2024/DSST ngày 28/6/2024 của TAND huyện Ứng Hòa quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trương Văn H. đại diện cho dòng họ Trương Quý về việc đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ.

Buộc hộ gia đình gồm ông L., anh B., chị H. cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía ông L. phải trả lại một phần tài sản chung cho dòng họ Trương Quý (do ông Trương Văn H. đại diện) diện tích đất 47,6m2 nằm trong tổng số diện tích 200m2 đất, thuộc thửa đất số 10, TBĐ số 7, thôn Thượng, xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội; Giao cho gia đình ông L., anh B,... cùng những một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất và các tài sản trên đất của ngôi nhà thứ 1 và thứ 2, diện tích 152,4m2 đất...

Sau đó, ông Trương Văn H. đại diện dòng họ Trương Quý kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xác lập lại quyền sử dụng đất tại thửa đất số 10, tờ bản đồ số 7, do UBND xã Viên Nội quản lý thuộc quyền sử dụng của dòng họ Trương Quý hay thuộc quyền sử dụng của gia đình ông L.

Chấp nhận một phần kháng cáo

126a0368.jpg
Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Hà và Phó Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội Bùi Thị Hồng Anh đồng chủ trì phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm tại điểm cầu VKSND TP. Hà Nội

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND TP. Hà Nội nhận định, Bản án dân sự sơ thẩm có sai sót khi không ghi rõ quyền sử dụng diện tích 47,6m2 đất của dòng họ Trương Quý và phần đất còn lại thuộc quyền sử dụng của những người thừa kế của cụ Tr. và cụ H. trong tổng số diện tích 200m2 đất... và có sai sót không xác định quyền, nghĩa vụ của các bên đương sự thực hiện việc kê khai, đăng ký cấp GCNQSDĐ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để tránh việc tranh chấp không đáng có về sau.

Do đó, VKSND TP. Hà Nội đề nghị HĐXX phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm.

Sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm TAND TP. Hà Nội đã quyết định chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của dòng họ Trương Quý do ông H. đại diện; sửa một phần Bản án sơ thẩm của TAND huyện Ứng Hòa; Xác định tại diện tích 200m2 thuộc thửa đất số 10, tờ bản đồ số 7 tại thôn Thượng, xã Viên Nội, dòng họ Trương Quý được quyền sử dụng diện tích đất 47,6 m2 (được giới hạn bởi các điểm mốc giới cụ thể); Người thừa kế của cụ Tr. và cụ H. được quyền sử dụng phần đất còn lại có diện tích 152,4 m2 (được giới hạn bởi các điểm mốc giới cụ thể);

Buộc ông L., và các con gồm anh B., chị H... cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía ông L. phải trả lại 47,6 m2 đất nêu trên cho dòng họ Trương Quý do ông H. đại diện

Dòng họ Trương Quý do ông H. đại diện, người thừa kế của cụ Tr. Và cụ H. có quyền, nghĩa vụ thực hiện việc kê khai, đăng ký cấp GCN QSDĐ được quyền sử dụng nêu trên tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến được tổ chức chu đáo, bài bản

Kết thúc phiên tòa, Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Hà và Phó Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội Bùi Thị Hồng Anh đều đánh giá, phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến được tổ chức chu đáo, bài bản, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ tiêu chí lựa chọn vụ án.

Tại phiên tòa, Thẩm phán và Kiểm sát viên đều đã có sự chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng, đặt câu hỏi với các đương sự và phát biểu quan điểm, nhận định về vụ án.

Sự phối hợp giữa Thẩm phán và Kiểm sát viên trong quá trình giải quyết vụ án hiệu quả, theo quy chế phối hợp giữa 2 ngành trong công tác giải quyết án dân sự.

Cũng theo đánh giá đại diện Lãnh đạo 2 ngành, phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến được tổ chức theo đúng trình tự pháp luật quy định, đầy đủ thành phần và diễn ra nghiêm túc.

img_1704_diem-cau-hn.jpg
Toàn cảnh điểm cầu tại VKSND TP. Hà Nội

Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến đã tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa TAND hai cấp TP. Hà Nội và VKSND. Đây được xem là một trong những giải pháp đột phá, hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay.

Đại diện Lãnh đạo 2 ngành cũng yêu cầu các Thẩm phán, Thư ký Tòa dân sự, Lãnh đạo Phòng 9, Phòng 10, các Kiểm sát viên, cán bộ, công chức làm công tác giải quyết án dân sự thuộc VKSND, TAND cấp huyện tham gia đóng góp ý kiến đối với Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thư ký phiên tòa, HĐXX về những ưu điểm, tồn tại trong quá trình xét xử vụ án, để cùng rút kinh nghiệm chung.

Mạnh Hùng