Phóng sự - Ghi chép

Sự hy sinh thầm lặng của chiến sĩ áo xanh - Kỳ 2: Uốn thẳng mầm cong, đỡ đầu những đứa trẻ bất hạnh

Đức Hồ 21/11/2024 - 09:44

Với những người lầm lỡ, chiến sĩ công an là những người bạn đồng hành, giúp họ tự tin trên con đường hoàn lương, làm lại cuộc đời. Còn với những đứa trẻ bất hạnh, bằng cả tấm lòng và sự yêu thương, bao dung, những người mẹ đỡ đầu mang sắc phục Công an nhân dân đã bù đắp hơi ấm tình thương, hỗ trợ thiếu thốn vật chất, giúp các em có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.

Những người mẹ “áo xanh” - điểm tựa của trẻ mồ côi

Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, hưởng ứng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Phụ nữ Bộ Công an phát động, nhằm hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo động lực, giúp trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm điểm tựa trong hành trình khôn lớn, trưởng thành, có ích cho xã hội, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Bình Định đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình, bằng tình thương và sự trách nhiệm.

Hơn 3 năm kể từ khi được phát động và thực hiện, đến nay Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội Phụ nữ Công an tỉnh Bình Định đã thực sự trở thành điểm tựa, giúp trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được ổn định, phát triển toàn diện.

Những ngày đầu tháng 11/2024, thời tiết huyện miền núi Vĩnh Thạnh mưa rả rích đêm ngày, không khí rét mướt với những cơn gió mạnh thổi ngược, sương mù bao trùm cả xã vùng cao.

81088cfe-7c4c-4553-b4c0-a64a6c75d804.jpeg
Trung tá Nguyễn Thị Bích Lan trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe và tình hình học tập em Kỳ Duyên.

Chúng tôi có dịp đi cùng với chị Nguyễn Thị Bích Lan - Phó Đội trưởng Đội Tham mưu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an huyện Vĩnh Thạnh, đến thăm em Nguyễn Kỳ Duyên (SN 2012, ở thôn Định Trị, xã Vĩnh Hảo). Kỳ Duyên là nhân vật được Hội Phụ nữ Công an huyện Vĩnh Thạnh nhận đỡ đầu từ năm 2023 đến hết năm 2026, với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/quý.

Từ xa, Kỳ Duyên cùng bà ngoại đã đứng chờ, với tâm trạng đầy háo hức. Thấp thoáng thấy chị Loan đến, Kỳ Duyên với đôi mắt to tròn, lấp lánh niềm vui, reo lên tiếng gọi và chạy đến ôm chầm lấy chị Loan. Vốn chịu cảnh bất hạnh khi mất mẹ chỉ vừa 3 tuổi, là một cô bé ít nói, sợ hãi khi gặp người lạ, nhưng từ khi có các mẹ đỡ đầu, Kỳ Duyên đã cởi mở, hòa đồng với bạn bè ở lớp, ở trường.

Gia đình Kỳ Duyên có hai anh em, mẹ của em không may bị bệnh nặng qua đời, một mình bố gà trống nuôi con và nhờ sự giúp đỡ từ bà ngoại. Bà ngoại của Kỳ Duyên kể rằng, từ khi mẹ ruột qua đời, bà chứng kiến cảnh cháu hạnh phúc nhất là lúc cháu được nhận làm con của các mẹ nuôi. Cháu được các mẹ hỗ trợ tiền, mua quần áo đẹp, sách vở, các mẹ còn mua sữa, bánh kẹo cho cháu nữa.

Với thân hình nhỏ thó, làn da đen nhẻm, Kỳ Duyên nói lời thật thà: “Nhờ có hỗ trợ của các mẹ, mà con đã được đến trường để học con chữ, có sữa uống, bánh kẹo. Con rất biết ơn tấm lòng của các mẹ”.

9d63f3a0-52bf-465b-9637-7f4c1fb4a4a5.jpeg
Công an TP. Quy Nhơn trao sổ tiết kiệm cho hai cháu My và Kiệt.

Tại TP. Quy Nhơn, Trung tá Phan Thị Mỹ Dung - Phó Đội trưởng Đội CSGT – Trật tự - Phản ứng nhanh TP Quy Nhơn cho biết, trường hợp của 2 cháu Hồ Nguyễn Trà My (SN 2009) và Hồ Minh Kiệt (SN 2011), cũng đáng thương không kém. Bố của 2 cháu là Trung tá Hồ Việt Quang - Trưởng Công an phường Hải Cảng vừa mới qua đời sau khi bị xe tải nhỏ tông trong lúc đi tập thể dục, vào sáng sớm tháng 6/2024.

Để giúp hai cháu vượt qua nỗi đau và yên tâm đến lớp, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Định đã đến tận nơi thăm hỏi, trao tặng 2 sổ tiết kiệm với tổng trị giá 65 triệu đồng, đây là số tiền được trích từ Quỹ nghĩa tình đồng đội của Công an tỉnh Bình Định.

Ngoài ra, Công an TP. Quy Nhơn cũng trao 2 sổ tiết kiệm cho hai cháu My và Kiệt với tổng số tiền 200 triệu đồng. Số tiền này do các cán bộ, chiến sĩ Công an TP. Quy Nhơn đóng góp. Dịp này, Đoàn thanh niên và Hội Phụ nữ Công an TP. Quy Nhơn cũng nhận đỡ đầu cháu Hồ Minh Kiệt cho đến khi cháu học hết lớp 12 với số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng trong 5 năm. “Mất ba là nỗi đau quá lớn, cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt, vâng lời mẹ và chăm lo cho em”, Trà My rơm rớm nước mắt.

Uốn thẳng mầm cong

"Uốn thẳng mầm cong”, giúp đỡ những người lầm lỡ hoàn lương là những hành trình dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của toàn dân với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, bền bỉ và phương pháp phù hợp với từng loại đối tượng.

Theo phương châm gặp, biết, kèm cặp, hỗ trợ trong cảm hóa, giúp đỡ người vi phạm pháp luật tiến bộ, Công an tỉnh Bình Định đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn xây dựng nhiều mô hình để kèm cặp, giúp đỡ người từng lầm lỡ, vững bước trên con đường hoàn lương.

Thời gian qua, công tác hỗ trợ cho người tái hoà nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 22) về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, lực lượng Công an các cấp đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nhiều người sau khi mãn hạn tù đã có công ăn việc làm ổn định, rũ bỏ quá khứ lầm lỗi, tự tin tái hòa nhập cộng đồng.

Năm 2023, Hội nông dân và Công an thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh đã tổ chức ra mắt mô hình “Hội nông dân với công tác quản lý, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng”.

Mô hình ra đời nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, phát huy vai trò của hội viên nông dân thị trấn trong công tác phối hợp thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là thực hiện Nghị định số 49/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật; xóa bỏ định kiến hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong hình phạt tù; quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để họ ổn định cuộc sống, góp phần phòng, chống tái phạm và vi phạm pháp luật.

Anh Bùi Phúc Hưng (SN 1975, ở thị trấn Vân Canh, huyện miền núi Vân Canh), chỉ vì phút bất đồng, không giữ được bình tĩnh do mẫu thuẫn công việc lái xe đã phạm tội cố ý gây thương tích và bị toà tuyên án 6 tháng tù giam. Đầu năm 2020, anh được tự do về với cộng đồng.

Sau nhiều đêm dằn vặt, anh tự nhận thấy, chỉ có lao động chính đáng mới mang lại cuộc sống khá giả, bền vững. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Công an, anh Hưng đã xóa đi những mặc cảm của phút giây lầm lỗi.

9366e8a3-b342-4207-9370-517cc0df4084.jpeg
Trung tá Châu Minh Sơn - Phó trưởng Công an thị trấn Vân Canh trò chuyện với anh Bùi Phúc Hưng.

Trở về quê hương, trở về với cuộc sống lao động, cùng với những tấm lòng nhân ái, sự bao dung của cộng đồng đã tiếp thêm nghị lực và sức mạnh để bằng sức lao động của mình anh đã vượt qua khó khăn và sự mặc cảm, tập trung làm ăn, xây dựng kinh tế, vươn lên làm giàu ngay chính tại mảnh đất quê hương, mảnh đất ấm tình người. Bằng sức lao động của mình, anh đã dần xây dựng kinh tế, cuộc sống gia đình ổn định.

“Khi trở về lại cuộc sống bình thường, tôi được lực lượng công an, cơ quan đoàn thể và chính quyền địa phương giúp đỡ về mặt tinh thần rất nhiều. Ngoài ra, tôi còn được vay vốn 100 triệu đồng để làm ăn. Đây là sự sẻ chia và động viên rất lớn để tôi tái hoà nhập cộng đồng. Có động lực để phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống. Gia đình rất cảm ơn chính quyền địa phương và lực lượng Công an đã luôn động viên, giúp đỡ tôi được trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội", anh Hưng nói.

Trung tá Châu Minh Sơn - Phó trưởng Công an thị trấn Vân Canh cho biết, ngay khi anh Bùi Phúc Hưng trở về địa phương, cấp ủy, chính quyền đã phối hợp với lực lượng Công an xã thường xuyên động viên, khích lệ và tạo điều kiện giúp đỡ anh phát triển kinh tế. “Đến nay gia đình anh đã có kinh tế khá giả và rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội của thôn xóm, được nhân dân trong trong thôn quý mến", trung tá Sơn cho hay.

Với vai trò tham mưu, trực tiếp thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người lầm lỗi tại cơ sở, lực lượng Công an cơ sở tại tỉnh Bình Định, đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi vươn lên làm lại cuộc đời.

Bằng nhiều hình thức vận động, tuyên truyền đã tạo hiệu ứng tích cực đối với các tầng lớp nhân dân trong tiếp xúc, đối xử, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, rất nhiều trường hợp có một thời lầm lỗi đã vượt qua mặc cảm, hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời bằng con đường làm ăn chân chính, lương thiện. Họ không chỉ xây dựng, phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu ở địa phương mà còn góp phần tích cực trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Lâm - Trưởng Công an huyện Hoài Ân cho biết, địa phương đã có những giải pháp hiệu quả cho việc tái hòa nhập cộng đồng, quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khả năng của người lầm lỡ, để tìm cách tạo công ăn việc làm.

Ngoài ra, xây dựng mô hình dạy nghề, giải ngân, cho vay vốn, thường xuyên động viên, thăm hỏi, gần gũi để những người chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ mặc cảm. Cấp ủy chính quyền, lực lượng Công an địa phương luôn quan tâm, quản lý những người có nguy cơ có thể tái phạm tội để có phương pháp phòng ngừa.

"Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ mặc cảm kỳ thị, tích cực động viên, tạo mọi điều kiện giúp đỡ những người có một thời lầm lỡ về địa phương. Ngoài ra, nhân rộng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng tiêu biểu, kịp thời biểu dương, khen thưởng những người chấp hành xong án phạt tù tiêu biểu trong lao động, kinh doanh, sản xuất giỏi... để khuyến khích thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người có một thời lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng”, thượng tá Lâm cho hay.

Còn nữa..

Đức Hồ