Đời sống

Độc đáo nghề giã cây làm giấy dó thủ công

Trần Tú 21/11/2024 06:17

Làng nghề giấy dó độc lạ nhất tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đang truyền lại cho con cháu đến tận hôm nay với hi vọng giữ nghề.

Trước đây, nghề làm giấy dó tại xóm 3, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc có hàng trăm hộ dân tham gia. Tuy nhiên, đã qua thời vàng son, nhiều hộ dân đã chuyển sang công việc khác, nghề làm giấy dó cũng dần mai một. Đến nay, chỉ còn rất ít hộ còn bám trụ với nghề.

3-1-.jpg
Lớp vỏ lụa đươc cạo đi, tách lấy phần thịt, vứt phần lõi cứng bên trong, phần thịt đã chọn sẽ được tước mỏng ra nhồi với nước vôi đặc rồi nấu trong một ngày.

Bà Trương Thị Hải trú xóm 3, xã Nghi Phong bước sang tuổi 60 cho biết: Khi thịnh vượng có đến hàng trăm hộ dân làm nghề, nhiều gia đình dựng được nhà, nuôi con ăn học từ nghề này. Thời kỳ ấy, nghề làm giấy dó rộn ràng khắp cả làng, khi nắng lên, khuôn làm giấy dó được phơi khắp nơi, nhộn nhịp, tiếng chày vang khắp mọi ngõ ngách. Khách mua giấy dó từ mọi nơi đổ về, lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh mua bán. Hiện nay, tại xã Nghi Phong chỉ còn lại 6 hộ gia đình làm giấy dó. Con cháu không theo nghề nữa vì làm giấy dó vất vả mà thu nhập không cao. Hai vợ chồng tôi làm là để giữ nghề truyền thống cha ông để lại.

Để có nguyên liệu làm giấy dó, hai ông bà phải đi khắp nơi có khi ra tận huyện Quỳnh Lưu hoặc sang tỉnh Hà Tĩnh để chặt cây niệt mang về. Đây cũng là nguyên liệu chính để sản xuất giấy dó. Việc tạo ra các tờ giấy dó được thực hiện theo quy trình cụ thể, theo bà Hải, đầu tiên phải cạo bỏ lớp vỏ đen bên ngoài, tách vỏ cây ra khỏi thân.

8.jpg
Sản phẩm đem phơi nắng mới tạo ra được những tấm giấy dó hoàn chỉnh.

Sau đó, tước từng sợi mỏng như tờ giấy và cho vào nồi nước vôi nấu liên tục hơn 1 ngày để những vỏ cây này trở nên mềm hơn. Sau khi luộc kỹ, vỏ cây niệt được vớt ra và dùng chày giã mạnh để lấy bột, phần bột này được hòa vào nước để tráng lên khuôn, sau đó mang đi phơi nắng mới tạo ra được những tấm giấy dó. Tất cả các công đoạn đều được làm hoàn toàn bằng thủ công, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Công đoạn cuối cùng là đem ra phơi. Phải chọn ngày nắng to thì giấy dó mới trắng đều, mịn.

Ông Nguyễn Văn Ngại, xóm trưởng xóm 3 (sau khi sáp nhập xóm Phong Phú), xã Nghi Phong cho biết: Là vùng sản xuất giấy dó duy nhất trên địa bàn tỉnh, đó là niềm vinh dự, tự hào nhiều năm nay của người dân địa phương. Nhưng đến nay làng nghề đã mai một và có nguy cơ biến mất. Từ hơn 100 hộ làm nghề, đến nay toàn xóm chỉ còn các gia đình: ông Hà, bà Hường, ông Trị, ông Tâm, ông Phong, ông Sơn làm giấy dó. Nguyên nhân chính khiến làng nghề giấy dó dần lụi tàn: Nguyên liệu chính để làm nghề là cây niệt nay đã không còn nhiều, tìm mua rất khó khăn, không có lao động làm nghề, số còn làm nghề là những hộ cao tuổi, trung niên, việc truyền và giữ nghề không còn khả quan. Giá cả sản phẩm bấp bênh, nhu cầu thị trường sụt giảm, bà con không còn mặn mà.

6-1-.jpg
Tấm giấy dó ra lò từ cách làm thủ công

Theo các hộ gia đình làm nghề, giấy dó ở xã Nghi Phong thường được sử dụng làm quạt giấy, cuốn hương trầm hoặc dán cá. Giá của mỗi tờ giấy dó là khoảng 4 nghìn đồng, nếu cả gia đình từ 2 đến 3 người cùng làm thì mỗi ngày chỉ được khoảng 80 đến 100 tờ, cho thu nhập khoảng 300 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng/ngày. Vậy nên các hộ dân chủ yếu tranh thủ lúc nông nhàn để làm giấy dó.

Ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng NNPTNT, UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Xã hội càng phát triển, hiện đại hoá thì mặt hàng này dần yếu thế trên thị trường. Việc bà con chuyển đổi nghề cũng là điều bất khả kháng.

Tuy nhiên, UBND huyện Nghi Lộc cũng như chính quyền xã Nghi Phong vẫn mong muốn bà con lưu giữ những ngành nghề truyền thống, không để mai một. Hàng năm, lãnh đạo huyện trực tiếp xuống thăm hỏi, động viên bà con và khi có các chính sách hỗ trợ sẽ luôn ưu tiên để người dân tiếp tục gắn bó với nghề.

Trần Tú