Sức khỏe

Bé trai bị chó nhà cắn đứt niệu đạo khi đang chơi đùa

Thành Phan 20/11/2024 - 12:42

Ngày 20/11, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, đã kịp thời mổ cấp cứu khâu nối niệu đạo, khâu phục hồi vật cương cho một bệnh nhi 7 tuổi, bị chó nhà cắn vào vùng sinh dục.

Theo thông tin vào ngày 3/11, khoa Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận ca bệnh trẻ 7 tuổi nhập viện trong tình trạng đau, chảy máu nhiều ở vùng dương vật, dương vật sưng nề bầm tím, vết thương thân dương vật lóc da tụ máu rộng 4x3 cm.

Gia đình bệnh nhi cho biết, trước đó trẻ đang chơi đùa ở nhà, thì bị chó nhà nuôi nặng khoảng 25kg cắn vào vùng sinh dục. Khiến dương vật của trẻ chảy nhiều máu, người nhà đã băng ép cầm máu rồi đưa đi viện.

Ngay khi vào viện, gia đình cũng đã được các bác sỹ hướng dẫn cho trẻ tiêm 04 mũi vacxin phòng dại, tiêm huyết thanh uốn ván.

img_20241120_121304.jpg
Các bác sĩ đã kịp thời mổ cấp cứu khâu nối niệu đạo, khâu phục hồi vật cương, phẫu thuật tạo hình da dương vật cho bệnh nhi thành công.

Theo Bs.Lưu Tiến Dũng, Phó trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: “Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, nhận thấy đây là ca bệnh cần phải mổ gấp, kíp trực đã ngay lập tức cho bệnh nhân làm các chỉ định cần thiết, kịp thời phẫu thuật cho trẻ, không để vuột mất thời gian vàng. Trong mổ thấy tổn thương vỡ vật hang (vật cương), đứt niệu đạo. Kíp mổ đã thực hiện cắt lọc, làm sạch vết thương, khâu nối niệu đạo, khâu phục hồi vật cương, phẫu thuật tạo hình da dương vật.”

Sau phẫu thuật, bệnh nhi tiếp tục được theo dõi và chăm sóc tích cực tại khoa Tiết niệu Bệnh viện. Sau 17 ngày điều trị, hiện bệnh nhân đã ổn định và được cho xuất viện.

Hàng năm, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận rất nhiều ca bệnh trẻ nhập viện do bị chó cắn, có trường hợp trẻ bị thương rất nặng, tổn thương nghiêm trọng vùng đầu, mặt…

Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh dại, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; gia đình trẻ không cho trẻ lại gần chó, đặc biệt chó lạ; không trêu chọc chó khi chó đang ăn, đang ngủ và khi trẻ đang ăn.

Khi bị chó cắn cần xử lý vết thương kịp thời. Nếu vết thương nhỏ, không chảy máu hay chảy máu ít nên rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước; vết thương lớn cần cầm máu ép vết thương bằng gạc, vải sạch, hạn chế làm dập vết thương, không được băng kín vết thương và đến ngay các trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng ngừa mới không bị bệnh dại.

Đặc biệt, cần theo dõi vết thương, biểu hiện của trẻ; theo dõi chó trong 15 ngày tiếp theo, không được đánh chết chó; người dân tuyệt đối không được dùng thuốc nam, nhờ thầy lang hoặc tự chữa khi bị chó cắn.

Thành Phan