Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi ngành nghề và cơ cấu kinh tế
Ngày 19/11, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá – Những vấn đề đặt ra”. Tọa đàm có sự tham gia của các đại biểu Quốc hội cùng đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia kinh tế - tài chính…
Buổi Tọa đàm nhằm mục đích lắng nghe ý kiến từ các nhà quản lý, đại biểu Quốc hội, chuyên gia và doanh nghiệp, qua đó xây dựng tiếng nói chung và chuyển tải thông tin tới cơ quan quản lý, góp phần tạo ra các văn bản pháp luật có tính khả thi cao, thực sự đi vào đời sống.
Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ là một trong nhiều công cụ chính sách để đạt được các mục tiêu kinh tế và xã hội.
Loại thuế này không chỉ nhằm tạo nguồn thu ngân sách, mà còn góp phần định hướng hành vi tiêu dùng, nâng cao nhận thức cộng đồng về sức khỏe, cũng như thúc đẩy sự chuyển đổi ngành nghề và cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng việc xây dựng luận cứ nghiên cứu cho thuế TTĐB cần có trọng tâm rõ ràng, đặc biệt là ở hai khía cạnh cung và cầu trong thị trường.
Theo ông Thành, để thuế TTĐB thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự kết hợp linh hoạt với các công cụ chính sách khác, như truyền thông nâng cao nhận thức, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, và khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Việc triển khai chính sách này đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng, cần lắng nghe tiếng nói của thị trường xem nó như thế nào, rồi quyết định điều chỉnh, để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tài chính, kinh tế, và xã hội.
Còn Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường chia sẻ, mục tiêu quan trọng của tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là thay đổi hành vi. Vì vậy, việc tăng thuế không nên tăng đều hằng năm và mà nên có khoảng cách thời gian và có thể lùi thời gian áp dụng để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị chuyển đổi.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, khẳng định việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết và nên áp dụng theo phương pháp hỗn hợp.
Theo bà Cúc, mục tiêu chính của việc tăng thuế là giảm tỷ lệ người hút thuốc, đặc biệt là giới trẻ, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư phổi và bệnh hô hấp.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và ông Tráng A Dương (Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc) đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng thuế nhưng lưu ý rằng lộ trình tăng cần có tính toán kỹ lưỡng để đạt được hiệu quả giảm tỷ lệ hút thuốc mà không làm gia tăng buôn lậu.