Khu tái định cư Piêng Luống: An cư nhưng chưa lạc nghiệp
Với mong muốn mang lại cuộc sống ổn định cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở ở xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), khu tái định cư Piêng Luống ra đời với kỳ vọng tạo nên môi trường sống an cư, lạc nghiệp. Tuy nhiên, sau thời gian định cư, thực tế tại đây đang khiến nhiều người phải đặt câu hỏi liệu giấc mơ “an cư” có thực sự trở thành hiện thực khi hàng loạt vấn đề bất cập vẫn đeo bám cuộc sống của bà con.
Cuộc sống mòn mỏi chờ hạ tầng
Tái định cư Piêng Luống, nơi đang là mái nhà của hơn 50 hộ dân từ các bản: Tiến Thành, Trung Thành, bản Cô, bản Bon và Na Án - là dự án được triển khai để bảo đảm an toàn cho người dân khu vực ven sông Dinh có nguy cơ sạt lở.
Khi được di dời về đây, các hộ dân đã được hứa hẹn có nguồn nước sạch, đất sản xuất và các điều kiện sống cơ bản để yên tâm định cư. Thế nhưng, những lời hứa đó đến nay vẫn chỉ là... lời hứa. Chị Kim Thị Kỷ, một cư dân tại Piêng Luống, cho biết: “Họ nói cho ruộng, cho rừng, cho ao, cho mượn tiền, nuôi ăn 3-4 tháng, nhưng mà bây giờ chưa được cái chi cả”.
Một trong những vấn đề bức xúc nhất của cư dân tại Piêng Luống là tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hệ thống cấp nước bị hư hỏng, bể chứa trơ đáy, người dân phải đi xa tìm nguồn nước hoặc chờ những trận mưa lớn để trữ nước.
Chị Hà Thị Giang chia sẻ: “Gia đình tôi đã lên đây ở hai năm rồi nhưng vẫn chưa có nước sạch để sống, phải xin nước từ nơi khác. Đường sá cũng hư hỏng rất nhiều, đi lại rất khó khăn”.
Anh Hà Văn Hòa, một người dân ở Piêng Luống, bức xúc: “Gia đình em đã bỏ ra gần tỷ bạc để dựng nhà, nhưng không có nước. Nhiều lúc cũng nghĩ hay là bỏ đi nơi khác để kiếm chỗ có nước mà ở cho dễ sống”.
Việc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đang khiến nhiều gia đình bất an và gặp khó khăn trong cuộc sống. Thiếu giấy tờ hợp pháp, bà con không thể vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, càng làm tăng gánh nặng tài chính cho gia đình.
Chị Lương Thị Na cho biết: “Cả các làng thôn xóm mới này chưa có nhà nào có bìa đất cả. Ai cũng làm nhà đẹp, nhưng rồi phải bỏ đi làm thuê để kiếm tiền trả nợ ngân hàng”.
Trong bối cảnh khó khăn, không ít gia đình phải vay ngân hàng để xây dựng nhà cửa. Nhưng giờ đây, họ không thể an tâm ở lại mà buộc phải đóng cửa nhà và đi làm xa để trả nợ. Chị Hà Thị Ngọ chia sẻ: “Nhà vừa xây chưa xong, chồng tôi phải đi làm xa kiếm tiền để trả nợ và nuôi con. Mong lắm giấy tờ đất đai sớm được giải quyết để có thể yên tâm sản xuất ngay tại quê nhà”.
Giao thông xuống cấp, an toàn bị đe dọa
Hệ thống giao thông trong khu vực cũng đang trở thành nỗi ám ảnh với người dân. Đường lên Piêng Luống bị xói mòn, đặc biệt nguy hiểm vào mùa mưa khi mặt đường trở nên trơn trượt và khó đi. Anh Hà Văn Hòa cho biết: “Đường xuống cấp nghiêm trọng, đi xe máy đôi lúc cũng ngã, va vấp liên tục. Trẻ em đi học cũng gặp khó khăn, gia đình nào có con nhỏ rất lo lắng”.
Ngoài ra, mối đe dọa sạt lở vẫn luôn ám ảnh cư dân Piêng Luống, nhất là khi nền đất không ổn định và dễ bị xói mòn. Chị Hoàng Thị Huệ cho hay: “Sạt lở ngay sau nhà, gia đình không thể ở được. Đêm hôm mưa to phải di dời đồ đạc, qua nhà hàng xóm ở tạm. Chỉ mong các cấp chính quyền sớm có biện pháp xử lý”.
Hiện tại, chính quyền xã và huyện đã nỗ lực khắc phục nhiều lần, nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để các vấn đề cấp bách tại Piêng Luống. Ông Lăng Thế Mỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thành, chia sẻ: “Mưa lũ làm gãy đường ống, chúng tôi đã khắc phục trên 8 lần, với kinh phí trên 70 triệu đồng. Mong rằng cấp huyện và các cơ quan cấp trên sẽ phối hợp để duy tu bảo dưỡng các công trình, bảo đảm nước sạch cho người dân”.
Ông Phạm Đình Thông, phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quỳ Hợp, nhấn mạnh: “Chúng tôi đang đề xuất và phối hợp với chính quyền xã, cố gắng tìm ra các biện pháp đảm bảo đời sống và ổn định sản xuất cho bà con, không để tình trạng tạm bợ kéo dài”.
Tương lai nào cho Piêng Luống?
Để khu tái định cư Piêng Luống thực sự trở thành nơi “an cư lạc nghiệp”, sự vào cuộc mạnh mẽ và cam kết hỗ trợ lâu dài từ chính quyền là vô cùng quan trọng.
Các vấn đề như cải thiện hệ thống hạ tầng, cấp đất sản xuất, hỗ trợ tài chính, và đặc biệt là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần được ưu tiên hàng đầu. Nếu không, những nỗ lực tái định cư sẽ chỉ là giải pháp tạm thời, không thể giúp bà con ổn định cuộc sống lâu dài.
Những câu chuyện và hình ảnh từ Piêng Luống là minh chứng cho những khó khăn chồng chất mà người dân nơi đây phải đối mặt. Họ đã rời xa vùng đất cũ với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng hiện tại vẫn đang mắc kẹt trong những thách thức đầy khó khăn.
Cải thiện cơ sở hạ tầng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hỗ trợ nguồn lực cho sản xuất cần được chính quyền và các cơ quan chức năng thực hiện ngay lập tức.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và cộng đồng là yếu tố quan trọng giúp Piêng Luống trở thành nơi thực sự đáng sống cho bà con.
Cả xã hội cùng chung tay sẽ giúp người dân tại đây có được một cuộc sống ổn định, yên tâm sản xuất và vững bước trong tương lai.