Thu phí vào nội đô Hà Nội: Cần tính toán hợp lý
Vừa qua, UBND TP Hà Nội vẫn trình HĐND thành phố Đề án giao thông thông minh, trong đó có nội dung về thu phí ô tô vào nội đô vào tháng 12/2024.
Kỳ vọng vào hiệu quả của thu phí vào nội đô
Theo cơ quan soạn thảo, Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” bao gồm nhiều giải pháp và ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành giao thông, giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Theo đề án, Hà Nội sẽ dựng 100 trạm thu phí ở khu vực phạm vi ranh giới giữa ngoại thành và nội thành (được xác định từ đường Vành đai 3 trở vào); mức phí dự kiến cho một lượt ô tô loại tiêu chuẩn (từ 12 chỗ ngồi trở xuống) là từ 50.000 đến 100.000 đồng/lượt.
Mục đích của đề án này là giảm lưu lượng xe vào khu vực nội thành (theo tính toán là khoảng 20%) để giảm bớt ùn tắc ở trung tâm, hạn chế ô nhiễm môi trường. Từ năm 2025 sẽ thí điểm triển khai những vùng phát thải thấp tại một số khu vực.
Hạn chế xe cá nhân, chuyển đổi sang xe điện, phát triển giao thông "xanh", hình thành những vùng phát thải thấp… đều phù hợp với định hướng kinh tế "xanh", phát triển bền vững. Do vậy, đề án nêu trên của Hà Nội có thể nói là đi đúng hướng.
Thu phí vào nội đô chỉ là một giải pháp
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, hàng ngày đi làm, nhiều người bắt buộc phải dùng xe cá nhân vì xe công cộng chưa đáp ứng được. Cho nên, kỳ vọng giảm kẹt xe bằng cách này là không thể, mà cần triển khai thêm nhiều giải pháp đồng bộ.
Nếu triển khai thu phí ô tô vào nội đô nhằm hạn chế xe gây ách tắc, ô nhiễm môi trường, Hà Nội phải tạo ra các dịch vụ giao thông công cộng thuận lợi. Khi người dân có các phương tiện thay thế với giá rẻ và văn minh thì tự khắc sẽ lựa chọn thay thế cho xe cá nhân.
Hiện nay, vận tải công cộng ở Hà Nội chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu đi lại của người dân thì thu phí để hạn chế xe cá nhân cũng không thay đổi được gì nhiều, vì người dân bắt buộc phải lấy xe nhà mà đi.
Do đó, trước việc thu phí vào nội đô, với đa số người dân, cho dù phải mất tiền thì cũng phải dùng phương tiện cá nhân mà đi làm vì không còn lựa chọn khác.
TS Phan Lê Bình - chuyên gia JICA nêu ý kiến, thu phí vào nội đô chỉ là một trong các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông. Để giải bài toàn giao thông Hà Nội cần nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, trong đó có ưu tiên phát triển vận tải công cộng; quy hoạch lại không gian đô thị, trong đó có giảm mật độ trong khu vực nội đô. Theo vị chuyên gia này, nếu khu vực nội đô trong 5 năm hay 10 năm tới vẫn tập trung những cơ quan thu hút người dân như trụ sở giao dịch hành chính, trung tâm thương mại, trường học… thì thành phố có thu phí 50.000 đồng đến 100 nghìn đồng/lượt xe ô tô, người dân vẫn sẵn sàng trả phí để đi ô tô cá nhân vào nội đô vì công việc cấp thiết.
Hà Nội đang có 8 triệu phương tiện lưu hành, trong đó ô tô có 1,5 triệu chiếc, nhiều nhất so với các thành phố tại Việt Nam. Dân số Hà Nội hiện khoảng 8,6 triệu người (mỗi năm tăng cơ học 200.000 người), mật độ khoảng 2.400 người/km2, cao 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước.
Đường sá Hà Nội đã ùn tắc nhiều năm nay, trong khi giao thông công cộng còn hạn chế. Xe buýt nhanh (BRT) thì èo uột. Đường sắt đô thị (metro) thì mới chỉ có 2 tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội. Tỉ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt 12%-13% (theo quy hoạch ít nhất phải 20%-26%).