Đời sống

Nguồn lực hỗ trợ mới đến tay thương, bệnh binh TP.HCM

Kim Sáng 19/11/2024 - 13:24

19 thương, bệnh binh đầu tiên trên địa bàn TP.HCM chính thức nhận hỗ trợ theo Công văn 5133 của Chủ tịch UBND TP.HCM. Nguồn lực này thể hiện trách nhiệm, lòng biết ơn của xã hội với những người có công với đất nước.

Sáng 19/11, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) TP.HCM và Ban Liên lạc truyền thống (LLTT) Sư đoàn 5 tại TP.HCM phối hợp với UBND TP Thủ Đức, UBND quận 3 tổ chức trao tặng kinh phí hỗ trợ cho thương, bệnh binh khó khăn theo Công văn 5133 của UBND TP.HCM.

Trong đợt đầu tiên, chương trình trao 19 suất quà (6 triệu đồng tiền mặt) cho 14 thương, bệnh binh tại các phường: Phước Bình, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Cát Lái, Trường Thọ, Long Phước (TP Thủ Đức) và 5 thương, bệnh binh ở phường Võ Thị Sáu, phường 3, phường 14 (quận 3, TP.HCM).

dsc_4237.jpg
Trung tướng Lê Thái Bê, Anh hùng LLVTND – Phó Ban LLTT Sư đoàn 5 tại TP.HCM phát biểu.

Tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng do các doanh nghiệp Nhà nước ủng hộ.

Số tiền này hỗ trợ các thương, bệnh binh trong 3 tháng 10, 11, 12 của quý IV/2024.

Hầu hết các thương, bệnh binh nhận kinh phí hỗ trợ đều có hoàn cảnh khó khăn, được lựa chọn theo đúng tiêu chí của công văn 5133.

Trong số các thương, bệnh binh nhận quà phải kể đến trường hợp bà Phạm Thị Cúc (SN 1953), bà là thương binh hạng 2/4, chồng bà trước đây cũng là thương binh hạng 3/4, tuy nhiên chú đã mất đầu năm 2024.

dsc_4201.jpg
Bà Phạm Thị Cúc xúc động khi nhớ về đồng đội.

Bà Cúc có 2 chị gái là liệt sĩ, đến nay chưa tìm được hài cốt, em trai là thương binh, mẹ bà được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Sau thời gian phục vụ ở chiến trường, bà Cúc bị nhiễm chất độc da cam nên sức khoẻ ngày càng suy yếu, thêm nỗi đau mất người thân càng làm trái tim bà quặn thắt.

dsc_4265.jpg
Trao tặng cho các thương, bệnh binh ở TP Thủ Đức.

"Chiến tranh qua đi, tôi may mắn sống sót trở về, được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm, giúp đỡ. Hôm nay được nhận thêm kinh phí hỗ trợ theo chỉ đạo của TP.HCM, tôi vừa vui vừa buồn, vui vì Nhà nước luôn nhớ tới công lao của chúng tôi nhưng buồn vì đồng đội không còn để hưởng niềm vui chung, hai chữ "đồng đội" cứ ám ảnh mãi trong cuộc đời tôi", bà Cúc nói.

Bà Đường Tuyết Hoa, phường Phước Bình, TP Thủ Đức, có chồng là ông Lê Văn Yến (SN 1942), thương binh hạng 2/4 cũng là một trong 19 người được nhận hỗ trợ trong đợt này.

Bà Hoa nói, phần kinh phí này là nguồn lực lớn giúp gia đình bà ổn định cuộc sống.

dsc_4269(1).jpg
14 thương, bệnh binh ở TP Thủ Đức được nhận hỗ trợ theo công văn 5133 của UBND TP.HCM.

"Nghe phường thông báo lên nhận hỗ trợ tôi vui lắm, vợ chồng già có thêm khoản ra khoản vô đỡ đần con cháu biết mấy, tôi không biết gì ngoài lời cảm ơn đến các cơ quan và nhà tài trợ", bà Hoa chia sẻ.

Trung tướng Lê Thái Bê, Anh hùng LLVTND – Phó Ban LLTT Sư đoàn 5 tại TP.HCM cho biết, buổi trao quà hôm nay tuy rất nhỏ bé nhưng hết sức sâu nặng nghĩa tình, là sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp và Hội CCB quận, huyện, TP Thủ Đức.

dsc_4267.jpg
Mỗi thương, bệnh binh nhận được 6 triệu đồng tiền mặt, là số tiền hỗ trợ trong 3 tháng của quý IV/2024.

Khởi đầu từ TP Thủ Đức, cái nôi truyền thống cách mạng đến quận 3, ông hy vọng 2 địa phương này sẽ làm tiền đề để công văn 5133 ngày càng lan toả mạnh mẽ, rộng rãi, góp phần chăm lo tốt hơn cho các thương, bệnh binh khó khăn.

Ông nhắc lại lời của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trong buổi gặp mặt các thương binh nặng nhân dịp 27/7, đó là việc tri ân và đền đáp công ơn của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, các mẹ Việt Nam Anh hùng "làm nhiều bao nhiêu cũng chưa đủ, làm nhanh bao nhiêu cũng chưa kịp'" nên phải hết sức nỗ lực để thực hiện.

dsc_4339.jpg
Trao quà cho các thương, bệnh binh ở quận 3.

Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển - Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM, cho biết, trong đợt đầu tiên, Hội phối hợp với các đơn vị vừa làm vừa rút kinh nghiệm sao cho thương, bệnh binh sớm nhận món quà nghĩa tình, tránh gây phiền hà cho nhà tài trợ.

Để công văn 5133 thực sự đi vào cuộc sống, ông nói rất cần sự đồng hành của các ngành, các cấp, trước hết là các ban ngành hữu quan như Phòng LĐ-TB&XH, Hội CCB các quận, huyện, TP Thủ Đức, các cơ quan báo chí...

Bước ra khỏi chiến tranh, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công đã vượt qua những tổn thương mất mát, đau đớn về thể xác, kiên cường và nỗ lực hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập... góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước, xứng đáng là những công dân kiểu mẫu, là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo.

dsc_4343.jpg
Chương trình trao tặng kinh phí cho các thương, bệnh binh ở quận 3, TP.HCM theo công văn 5133.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp thương binh, thân nhân thương binh và gia đình liệt sĩ còn khó khăn, phải bươn chải để từng bước ổn định cuộc sống.

Bên cạnh các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp gắn với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, việc trao tặng kinh phí theo công văn 5133 một lần nữa thể hiện tinh thần, trách nhiệm của xã hội đối với những người có công với đất nước, góp phần giáo dục truyền thông cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

dsc_4274.jpg
Kinh phí hỗ trợ sẽ tiếp thêm nguồn lực cho các thương, bệnh binh ổn định cuộc sống.

Theo thống kê, TP.HCM hiện có 52.411 liệt sỹ và 4.610 thân nhân liệt sỹ hưởng tuất theo quy định; 27.596 thương binh, trong đó có 13.027 thương binh hưởng trợ cấp hàng tháng.

Trong số 13.027 thương binh này, có 1.708 thương binh nặng từ 2/4 trở lên và 102 thương binh đặc biệt nặng (trên 81%).

Ngày 4/9/2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký ban hành công văn 5133 về việc hỗ trợ thực hiện công tác chăm lo cho thương binh, bệnh binh.

Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn thuộc TP.HCM nghiên cứu Nghị định 91/2015 của Chính phủ và Thông tư 25/2018, Thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính chủ động cân đối nguồn quỹ phúc lợi của đơn vị để chăm lo, hỗ trợ các thương binh, bệnh binh với số tiền chăm lo tối thiểu là 2 triệu đồng/tháng/người.

Mỗi đơn vị đăng ký tham gia hỗ trợ tối thiểu 5 trường hợp (10 triệu đồng/tháng) và phấn đấu duy trì hoạt động chăm lo ít nhất đến năm 2030.

TP.HCM giao Hội HTGĐLS TP.HCM làm đầu mối về công tác trên.

Kim Sáng