Tin địa phương

Tổng kết, rút kinh nghiệm các phiên tòa tái hiện xét xử các vụ án

Xuân Phương 18/11/2024 - 18:50

Ngày 18/11, Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm các phiên tòa tái hiện xét xử các vụ án và thông tin chính sách, pháp luật mới liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2024. Ông Lâm Hoàng Mẫu - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chủ trì hội nghị.

Cùng dự hội nghị có ông Lê Thanh Vũ - Phó Chánh án TAND tỉnh; lãnh đạo UBND, phòng dân tộc của huyện Kế Sách, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Châu Thành, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Long Phú, thị xã Vĩnh Châu và các thành viên tham gia thực hiện các phiên tòa tái hiện.

z6044528310837_fdb60ed1b1e22f876ab096d138cbb23e.jpg
Quang cảnh hội nghị

Để triển khai thực hiện tốt Nội dung số 02 về phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thuộc Tiểu dự án 01, Dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS năm 2024.

Tính từ ngày 08/10/2024 đến 05/11/2024, Ban Dân tộc phối hợp TAND tỉnh và UBND các huyện, thị xã trong tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp và đã tổ chức 8 phiên tòa tái hiện xét xử các vụ án và hội nghị thông tin chính sách pháp luật mới liên quan đến đồng bào DTTS năm 2024.

z5932402262277_03fc679404301798b6ec72633ac425cc.jpg
Phiên tòa tái hiện xét xử tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng

Thông qua 08 phiên tòa tái hiện xét xử các vụ án hình sự và Hội nghị thông tin chính sách, pháp luật mới, nhằm thông tin, tuyên truyền và trang bị kiến thức tổng quan pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, văn bản pháp luật có liên quan đến các vụ án và các chính sách dân tộc mới cho trên 1.000 lượt đại biểu tham dự là cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, tư pháp và các Tổ chức chính trị, xã hội ở cấp huyện, xã; giáo viên, phụ huynh và các em học sinh; các Vị Achar, Ban quản trị chùa Phật giáo Nam tông Khmer và người có uy tín,…

Nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm con người, các tệ nạn xã hội như ma tuý, mua bán người, huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản, trật tự an toàn giao thông, chống người thi hành công vụ…

z5932402025397_b8bf286ecc00ab8306b286cd01cde855.jpg
Các phiên tòa thu hút đông đảo người dân tham dự

Những tình huống được tái hiện giúp cho đại biểu dự hội nghị và người dân nhận thức đầy đủ, rõ hơn các hành vi phạm tội và hậu quả pháp lý để lại cho bản thân, gia đình và xã hội, từ đó tác động tích cực đến công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội góp phần giảm thiểu các vi phạm pháp luật trong vùng đồng bào DTTS.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, đây là hình thức tuyên truyền mới, sinh động, trực quan, sát với tình hình thực tế địa phương làm cho đồng bào DTTS nói riêng và người dân nói chung nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về tính nghiêm minh của pháp luật, về hậu quả và hệ lụy mang lại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội.

Thông qua hình thức này, giúp người dân có cơ hội tiếp cận trực tiếp và hiểu rõ hơn các quy định pháp luật hình sự, tố tụng hành sự, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật. Tái hiện phiên tòa xét xử các vụ án cũng là một cách làm mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; khắc phục được các hạn chế của phương pháp, hình thức tuyên truyền như cung cấp tài liệu hay tổ chức hội nghị, các cuộc họp…

Cùng với đó, việc tổ chức các phiên tòa tại vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS khó tiếp cận hệ thống thông tin pháp luật, đã góp phần xây dựng niềm tin vào công lý và hệ thống pháp luật của nhà nước ta.

z6044863660481_5e79bb0c8ec952fc4aef52942493ce7c.jpg
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị

Tuy nhiên do lần đầu Ban Dân tộc tỉnh phối hợp tổ chức phiên tòa tái hiện nên có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Tại hội nghị, các đại biểu có nhiều ý kiến đề xuất, đóng góp, trong đó nhấn mạnh các vấn đề vi phạm an toàn giao thông trong học sinh đáng quan tâm, cần mở rộng đối tượng tuyên truyền; mời đối tượng trả lời thắc mắc của học sinh, người dân phải đảm bảo, phù hợp, thuyết phục;

Nhân vật đóng giả bị cáo ở một vài phiên tòa chưa phù hợp; đoàn công tác cần thông tin, phối hợp chặt chẽ hơn với địa phương để có sự chuẩn bị tốt hơn hoặc lồng ghép dẫn chứng thêm về tình hình thực tế địa phương; cần tái hiện hoặc giả định một số vấn đề bức xúc của địa phương, vụ án xảy ra tại địa phương để tuyên truyền trong nhân dân,…

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lâm Hoàng Mẫu – Trưởng Ban dân tộc tỉnh đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm từng thành viên và đơn vị phối hợp trong việc thực hiện 8 phiên tòa tái hiện. Các đề xuất, ý kiến của các đại biểu rất thiết thực, phù hợp với thực tế, Ban Dân tộc tỉnh ghi nhận, tiếp thu và sẽ nghiên cứu để thực hiện có hiệu quả trong công tác tuyên truyền năm 2025.

z6044867043909_66c14e547e2a9c8cbaa16f951e32fd0a.jpg
ông Lâm Hoàng Mẫu – Trưởng Ban dân tộc tỉnh phát biểu tại hội nghị

Trưởng Ban dân tộc tỉnh đề nghị TAND tỉnh tiếp tục quan tâm, phối hợp và chọn lựa các vụ việc, vụ án thường xuyên xảy ra trong thực tế đời sống về các lĩnh vực pháp luật hình sự, dân sự, hành chính...để tổ chức tái hiện các phiên tòa được phong phú, đa dạng hơn về nội dung và hướng tổ chức về cơ sở khóm, ấp, phum, sóc và cơ sở thờ tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tổ chức tái hiện xét xử các vụ án.

Đồng thời đề nghị lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm, phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tổ chức tái hiện các phiên tòa xét xử, nhất là đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết và đại biểu tham dự, hướng về người dân, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động trực tiếp các các vụ án vụ việc.

Xuân Phương