Chính trị

Cần có chính sách căn cơ, nâng cao nhận thức của xã hội trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy

Gia Khánh 18/11/2024 17:43

Sáng nay (18/11), phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy, đồng chí Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất về nhận thức và đồng bộ trong hành động, đặc biệt phải nâng cao hiệu quả vai trò quản lý, đấu tranh, cắt cung, giảm cầu, giảm tác hại; làm tới cùng, triệt để, không cắt khúc, phải bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc mới đạt được hiệu quả, mang lại bình yên, an toàn cho xã hội, đất nước.

hn.jpg
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy (Ảnh: Công an Nhân dân)

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSNDTC đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 12 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chánh án TANDTC Lê Minh Trí nhấn mạnh đến hệ lụy, hậu quả, tác hại khủng khiếp của ma túy đối với ANTT, sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như sức khỏe giống nòi của đất nước. Mặc dù kết quả đấu tranh phòng, chống ma túy trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song Chánh án TANDTC Lê Minh Trí đánh giá cuộc đấu tranh này vẫn chưa căn cơ do nguồn cung, nguồn cầu hiện vẫn lớn.

catndtc.jpg
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Công an nhân dân).

Đặt câu hỏi, chúng ta phải làm gì, triển khai như thế nào để tập trung giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy, đồng chí Lê Minh Trí đề nghị nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, cùng với lực lượng Công an, TANDTC, Viện KSNDTC, các cấp, các ngành ở địa phương cần đánh giá đúng thực trạng, bàn giải pháp cho từng ngành, từng địa phương, đồng bộ trong nhận thức, xử lý; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng, chống tội phạm ma túy, tác hại của ma túy, đặc biệt là nghiên cứu các giải pháp để giảm nguồn cầu về ma túy.

Báo cáo tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết: Từ năm 2022 đến nay, lực lượng CAND đã chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh hơn 67.000 vụ, bắt giữ hơn 105.000 đối tượng, thu giữ gần 1,6 tấn heroin, hơn 1,7 tấn cần sa và hơn 7,6 tấn, 7 triệu viên ma túy tổng hợp. Kết quả trên cho thấy, cơ bản việc đấu tranh chặn nguồn cung ma túy đã được lực lượng chức năng làm tốt, kiểm soát được nguồn cung ma túy từ bên ngoài lãnh thổ xâm nhập vào nước ta, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, tổng số người sử dụng trái phép chất ma tuý, người nghiện ma tuý, người bị quản lý sau cai nghiện ma tuý tính đến tháng 10/2024 là 228.215 người. Trong đó, 37.382 người sử dụng trái phép chất ma tuý, 170.067 người nghiện ma tuý, 20.766 người bị quản lý sau cai nghiện (thực tế số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy ở ngoài cộng đồng còn lớn hơn con số trên).

Đáng chú ý, độ tuổi sử dụng ma túy có xu hướng trẻ hóa, từ 12 - 30 tuổi chiếm 44,6%; từ 30 tuổi trở lên chiếm 55,4%, tập trung vào nhóm không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định (chiếm 60%), sử dụng chủ yếu là ma túy tổng hợp.

Với số lượng người sử dụng trái phép chất ma tuý, người nghiện ma tuý như hiện nay, đặc biệt số ngoài cộng đồng còn cao 95.644 người, được xác định là nguồn cầu tiêu thụ ma túy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, nguồn lực lao động, gây thiệt hại lớn cho kinh tế (khoảng 1.500 tỷ đồng chi cho mua ma túy). Hơn nữa, còn tiềm ẩn nguy cơ cao, được coi là nguồn của các loại tội phạm (trộm cắp, cướp, cướp giật, cố ý gây thương tích, giết người...); nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp trong thời gian dài dẫn đến rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi dẫn đến những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây mất ANTT tại các địa phương và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư quốc tế của nước ta.

Thống nhất nhận thức, quyết liệt triệt giảm cầu

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá, trong danh sách đối tượng bắt giữ có rất nhiều đối tượng không nằm trong hồ sơ quản lý, nguy cơ rất lớn ở ngoài cộng đồng. Số người nghiện ma túy hiện có thể lớn gấp nhiều lần trên thực tế nắm được. Đặc biệt, xu hướng trẻ hóa khi sử dụng ma túy, sử dụng ma túy tổng hợp thay thế ma túy truyền thống, dẫn đến nguy cơ lây lan nghiện ma túy trong người trẻ.

Công tác quản lý địa bàn, kinh doanh có điều kiện vẫn còn tình trạng buông lỏng, khi kiểm tra xác định tỷ lệ người bị dương tính với ma túy tại đây vẫn rất lớn. Hoạt động cai nghiện vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là cai nghiện bằng Methadol; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vẫn còn nhiều hạn chế. Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, cai nghiện ma túy, giảm nguồn cầu về ma túy…

Phát biểu tại hội nghị, Chánh án TANDTC Lê Minh Trí đánh giá cao những kết quả, cách làm của các đơn vị, địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, giảm nguồn cầu về ma túy. Dù vậy, TANDTC cho rằng vẫn còn nhiều bất cập, cần phải điều chỉnh để sắp tới thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy …sẽ được hiệu quả cao hơn. Đồng chí Lê Minh Trí đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất về nhận thức và đồng bộ trong hành động, đặc biệt phải nâng cao hiệu quả vai trò quản lý, đấu tranh, cắt cung, giảm cầu, giảm tác hại; làm tới cùng, triệt để, không cắt khúc, phải bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc mới đạt được hiệu quả, mang lại bình yên, an toàn cho xã hội, đất nước.

Chánh án TANDTC cũng đề nghị xây dựng những chính sách căn cơ, nâng cao nhận thức của xã hội trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy; đẩy mạnh các giải pháp, hoạt động kinh tế - xã hội để giúp người nghiện ma túy cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. Đối với ngành tòa án, TANDTC chỉ đạo cần thực hiện triệt để những gì pháp luật cho phép nhằm nâng cao kết quả giảm nguồn cầu về ma túy; cần phối hợp với lực lượng Công an, các đơn vị chức năng, bộ, ngành, địa phương để giải quyết các bất cập và đề xuất giải pháp triển khai.

vksndtc.jpg
Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Huy Tiến phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Công an nhân dân).

Đồng tình với những quan điểm chỉ đạo của TANDTC và lãnh đạo Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Huy Tiến khẳng định, đưa ra các giải pháp giảm cầu về ma túy là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt quan trọng đối với phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Bày tỏ lo lắng trước thực trạng, nguy cơ tệ nạn ma túy trong nước, khu vực và thế giới, Viện trưởng VKSNDTC đánh giá, hệ thống chính trị ở các cấp phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, điều này có tác dụng rất lớn đến kết quả “thôn, bản, xóm, xã, phường không ma túy”. Cùng với đó, cần đầu tư nguồn lực cho hoạt động phòng, chống ma túy, kéo giảm nguồn cầu về ma túy; tập trung thu hồi tài sản…

4 nội dung, 6 nhiệm vụ cần làm ngay

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đánh giá cao những kết quả, thành tích đã đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống ma túy, giảm nguồn cầu về ma túy trong thời gian qua. Thẳng thắn nhìn nhận 4 tồn tại, hạn chế, kéo dài nhiều năm đã được chỉ ra song chưa được giải quyết dứt điểm, Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng nêu rõ các nguyên nhân.

btca.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu kết luận tại hội nghị (Ảnh: Công an Nhân dân).

Về những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh 4 nội dung lớn, cùng với đó là 6 nhiệm vụ cần làm ngay trong lực lượng CAND. Cụ thể, đó là tổng rà soát thống kê số người nghiện ma túy trên toàn quốc. Tất cả những đối tượng dương tính với ma túy mà không nằm trong danh sách quản lý sẽ xem xét trách nhiệm của chỉ huy Công an các đơn vị.

Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội chỉ đạo lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã nhập dữ liệu những người nghiện ma túy lên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trước 15/12/2024; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong phòng, chống ma túy; chủ trì đảm bảo rút ngắn thời gian xác minh thông tin không quá 3 giờ, tạo thuận lợi tối đa cho Công an các địa phương hoàn thành thủ tục đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện.

Lực lượng Công an trên toàn quốc thực hiện tổng cao điểm rà soát các đối tượng nghiện ma túy, trên phương châm xã làm trong sạch xã, huyện làm trong sạch huyện, cấp trên hỗ trợ, phân công, phân cấp địa bàn; thường xuyên kiểm tra đột xuất, kiểm tra xử lý nghiêm, kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; đề xuất kiểm tra chéo, kiểm tra ngược giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Bộ trưởng Lương Tam Quang yêu cầu, cần đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy theo hướng mở rộng triệt phá toàn bộ đường dây, không đánh khúc giữa, làm rõ nguồn cung, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chứa chấp, sản xuất, tàng trữ, mua bán, truy tận gốc, xử lý nghiêm, không để xảy ra tình trạng cắt khúc, bắt gì xử đó. Phối hợp chặt chẽ với Viện KSND, TAND cùng cấp, không để bị can phạm tội về ma túy bỏ trốn trong quá trình điều tra; nghiên cứu kiến nghị thay đổi, chỉnh sửa luật liên quan đến phòng, chống ma túy nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa.

Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng yêu cầu sớm xây dựng thực hiện kế hoạch chiến dịch truyền thông về hiểm họa ma túy. Tập trung tham mưu cấp ủy 43 địa phương chưa có kế hoạch triển khai cai nghiện ma túy tại cộng đồng; xử lý những cơ sở cai nghiện chưa thực hiện đúng quy định; tham mưu, kiến nghị, hỗ trợ cấp ủy chính quyền các địa phương trong công tác cai nghiện ma túy. Viện KSND, TAND các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra tập trung đấu tranh phòng, chống ma túy. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị những nội dung nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, không để xảy ra tình trạng chống phá, thẩm lậu ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy.

Đối với Bộ Y tế, cần tiếp tục công bố danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện; tăng cường tập huấn nâng cao cho các cán bộ y tế trong phòng, chống ma túy, xác định tình trạng nghiện, điều trị nghiện ma túy; đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cũng như bố trí đủ nguồn lực, kinh phí để quản lý cai nghiện, sau cai, hòa nhập cộng đồng.

Toàn quốc hiện có 126 điểm và 4 tụ điểm phức tạp về ma túy, 4 điểm phức tạp về ma tuý hoạt động trên không gian mạng, 2.787 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy; 3.965 đối tượng bán lẻ ma tuý. Đáng chú ý, xuất hiện một số vụ cán bộ, công chức Nhà nước, văn nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá tham gia tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Tình trạng sử dụng “bóng cười” và ma túy “núp bóng”, tẩm ướp, pha trộn vào thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử... gia tăng phức tạp, nhất là trong thanh, thiếu niên, tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về ANTT.

Công tác đấu tranh, giải quyết điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy đã được Công an các địa phương triển khai hiệu quả, số điểm, tụ điểm phức tạp về ma tuý giảm mạnh. Từ năm 2023 đến nay, lực lượng Công an các cấp đã đấu tranh triệt xóa 770 điểm, 15 tụ điểm, xử lý hình sự 1.325 đối tượng, xử lý hành chính 1.315 đối tượng; đấu tranh 2.194 vụ lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT để phạm tội ma túy, xử lý hình sự 3.689 đối tượng. Triệt phá 331 điểm nguy cơ không phải là cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; xử lý hình sự 607 đối tượng, xử lý hành chính 149 đối tượng. Vô hiệu hóa khả năng hoạt động của 82 điểm. Kết quả đấu tranh với đối tượng bán lẻ từ đầu năm 2024 đến nay, đã đấu tranh 1.496 vụ; xử lý 1.472 đối tượng; vô hiệu hóa khả năng hoạt động của 389 đối tượng.

Gia Khánh