Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế VAT tới giữa năm 2025
Theo Bộ Tài chính, chính sách giảm 2% thuế VAT đã góp phần giúp giảm giá thành, giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT). Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (xuống còn 8%).
Chính sách trên không áp dụng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đây là lần thứ 5 chính sách giảm 2% thuế VAT được đề xuất. Trước đó, từ năm 2022 - 2024, Quốc hội đã 4 lần quyết nghị giảm 2% thuế VAT tại các Nghị quyết số 43/2022, Nghị quyết số 101/2023; Nghị quyết số 110/2023 và Nghị quyết số 142/2024.
Bộ Tài chính dẫn các số liệu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 cho thấy "tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước". Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao.
Từ kết quả nêu trên có thể nhận định rằng, chính sách giảm 2% thuế VAT đã góp phần giúp giảm giá thành, giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, kích cầu tiêu dùng…
Tuy vậy, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; chi phí sản xuất còn cao; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT như đã nêu. Mục tiêu nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách cũng như nền kinh tế.