Chuyển động

Tổng thống Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Ngọc An 18/11/2024 08:03

Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Quyết định cho phép Kyev sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân, hoặc ATACMS, để tấn công sâu hơn vào Nga diễn ra khi Mỹ và đồng minh cáo buộc Tổng thống Vladimir Putin đưa lực lượng bên ngoài đến biên giới phía bắc Ukraine nhằm chiếm lại hàng trăm dặm lãnh thổ do lực lượng Ukraine chiếm giữ.

my.jpg
Ảnh minh họa (AFP)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nhiều tháng yêu cầu ông Biden cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự sâu hơn trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa do phương Tây cung cấp.

Ông Zelenskyy cho rằng lệnh cấm của Hoa Kỳ khiến Ukraine không thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga vào các thành phố và hệ thống điện của mình.

Các đồng minh phương Tây cho rằng, việc hạn chế này của Mỹ có thể khiến Ukraine thất bại trong cuộc chiến. Cuộc tranh luận này đã trở thành một nguồn gây bất đồng giữa các đồng minh NATO của Ukraine.

Tổng thống Biden trước đó đã phản đối, quyết tâm tránh bất kỳ sự leo thang nào mà ông cho rằng có thể lôi kéo Hoa Kỳ và các thành viên NATO khác vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga, một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Thông tin về quyết định của ông Biden xuất hiện sau các cuộc họp trong hai ngày qua với các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc diễn ra bên lề hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru.

Tổng thống Biden đã không đề cập đến quyết định này trong bài phát biểu khi dừng chân tại rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil trên đường đến hội nghị thượng đỉnh G20.

Khi được hỏi về quyết định này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết trong một cuộc họp báo rằng lập trường của cơ quan này là “tránh sự leo thang vĩnh viễn của cuộc chiến ở Ukraine”.

"Chúng tôi muốn hòa bình, chúng tôi muốn hòa bình công bằng," ông Guterres nói vào Chủ nhật trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro. Ông không bình luận thêm.

Nga vào Chủ nhật đã phát động một cuộc tấn công lớn bằng máy bay không người lái và tên lửa vào Ukraine, được các quan chức mô tả là cuộc tấn công lớn nhất trong những tháng gần đây, nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng.

Mặt khác, Moscow cũng cố gắng giành lại đất đai ở khu vực biên giới Kursk mà Ukraine đã chiếm giữ trong năm nay.

Tổng thống đắc cử Trump đã gợi ý rằng ông có thể thúc đẩy Ukraine đồng ý nhượng một số vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng để tìm kiếm một giải pháp chấm dứt xung đột.

Ông Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào tháng 1, đã nói nhiều tháng nay khi là ứng cử viên về mong muốn chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nhưng ông phần lớn né tránh các câu hỏi về việc liệu ông có muốn đồng minh Hoa Kỳ là Ukraine giành chiến thắng hay không.

Ông cũng nhiều lần chỉ trích chính quyền Biden vì đã cấp cho Kyev hàng chục tỷ đô la viện trợ.

Chiến thắng của ông khiến các nhà tài trợ quốc tế của Ukraine lo lắng rằng bất kỳ thỏa thuận chấm dứt vội vã nào cũng sẽ chủ yếu mang lại lợi ích cho Nga.

2024-11-18_081034.jpg
Cuộc không kích của Nga vào Ukraine phá hủy một số cơ sở hạ tầng hôm 17/11

Hoa Kỳ là đồng minh lớn nhất của Ukraine trong cuộc chiến, đã cung cấp hơn 56,2 tỷ USD hỗ trợ an ninh kể từ khi lực lượng Nga mở chiến dịch đặc biệt vào tháng 2 năm 2022.

Tuy nhiên, lo ngại về phản ứng của Nga, chính quyền Biden đã nhiều lần trì hoãn việc cung cấp một số vũ khí tiên tiến mà Ukraine yêu cầu, chỉ đồng ý khi chịu áp lực từ Kyev, những người ủng hộ và sau khi tham vấn với các đồng minh.

Điều này bao gồm việc từ chối lời kêu gọi của ông Zelenskyy về xe tăng tiên tiến, hệ thống phòng không Patriot và máy bay chiến đấu F-16, cùng các hệ thống khác.

Nhà Trắng đã đồng ý vào tháng 5 cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tiến hành các cuộc tấn công hạn chế qua biên giới với Nga.

Được biết sau khi Mỹ bật đèn xanh thì Pháp và Anh cũng cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa SCALP/Storm Shadow.

Ngọc An