Thưởng 5 triệu đồng cho người bắt tội phạm: Người dân đồng tình nhưng vẫn còn băn khoăn
Đời sống - Ngày đăng : 06:23, 30/07/2017
Mức thưởng tối đa 5 triệu đồng
Hiện nay, Bộ Công an đang lấy ý kiến người dân về dự thảo lần hai Quyết định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương trước khi trình Thủ tướng ký ban hành. Quỹ do Bộ trưởng Bộ Công an quản lý, điều hành.
Đối tượng áp dụng là các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác phòng, chống tội phạm; gia đình và người trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản; các cơ quan, đơn vị có chức năng liên quan đến hoạt động phòng, chống tội phạm ở trung ương và địa phương.
Mức thưởng tối đa cho người có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống tội phạm là 5 triệu đồng/người
Về nguồn hình thành, đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, từ các nguồn thu: số dư Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương; ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ khi thành lập quỹ; tài trợ, đóng góp tự nguyện từ nguồn hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống tội phạm.
Về mức thưởng, Bộ Công an đề xuất thưởng bằng tiền cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm. Mức tiền thưởng cụ thể cho từng trường hợp cá nhân, tập thể do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tối đa đối với cá nhân là 5 triệu đồng/người/lần khen thưởng và tối đa đối với tập thể là 20 triệu đồng/tập thể/lần khen thưởng.
Khi được hỏi về đề xuất trên, nhiều người dân cho biết họ đồng tình, tuy nhiên vẫn còn một số băn khoăn cho rằng mức thưởng như vậy là quá ít và có phần chưa tương xứng.
Trò chuyện với PV, anh Nguyễn Văn Chiến, một công dân làm lái xe ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, đã được biết đề xuất này qua việc đọc tin tức trên mạng: “Sau khi đọc được đề xuất người dân sẽ được thưởng 5 triệu đồng trong quá trình truy bắt, ngăn chặn tội phạm, tôi rất ủng hộ. Đây là một sự quan tâm khích lệ đối với người dân trong công cuộc phòng chống tội phạm. Tuy nhiên tôi thấy mức thưởng như vậy là quá ít bởi những đối tượng cướp giật thường rất manh động và hung hãn, trong quá trình tham gia truy bắt người dân có thể bị thương, nguy hiểm đến tính mạng hoặc hư hỏng tải sản, thậm chí còn lo sợ bị trả thù, nếu chỉ thưởng tối đa như vậy sẽ rất ít người hưởng ứng phong trào “tẩy chay” tội phạm cướp giật, nguy hiểm ”.
Còn anh, Đỗ Văn Đông, ở Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội lại bày tỏ lo lắng, nếu trong quá trình truy đuổi bắt cướp nếu chẳng may gặp phải những rủi do thương tích phải nằm viện thì ai sẽ chi trả và lo chi phí những khoản này. “Tôi đã đọc được thông tin này trên mạng, nhưng trong đề xuất chưa nói rõ về những vấn đề rủi ro khi người dân tham gia truy đuổi gặp phải những tình huống nguy hiểm. Nếu trong trường hợp người dân dùng xe truy đuổi, chặn bắt cướp, họ gây tai nạn cho người khác hoặc tội phạm thì có bị truy tố hay không?”, anh Đông thắc mắc.
Cần có mức thưởng tương xứng cho từng người, từng việc
Khi đề cập đến đề xuất của Bộ Công an về việc thưởng tối đa 5 triệu đồng cho người dân thăm gia truy bắt tội phạm, các chuyên gia pháp lý cho rằng, việc người dân tham gia quá trình phòng chống và tố giác hành vi phạm tội có thể xảy ra những rủi ro không đáng có. Với mức thưởng như vậy sẽ có những trường hợp không phù hợp với công trạng mà họ đã đóng góp trong quá trình ngăn chặn phòng, chống tội phạm.
Luật sư Nguyễn Ngọc Anh
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Ngọc Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết Bộ Công an đề xuất thưởng bằng tiền cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm đó là một công việc rất cần thiết trong xã hội hiện nay. Công việc này là để khích lệ tinh thần tham gia truy bắt tội phạm của người dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, góp phần ổn định hòa bình, an ninh khu vực, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, theo luật sư Ngọc Anh, thực tế cho thấy hậu quả xảy ra sau khi tham gia phòng chống tội phạm là rất khó lường, người dân có thể bị trả thù riêng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người tham gia.
Theo luật sư Ngọc Anh, hiện nay xã hội càng phát triển thì các loại tội phạm ngày càng thực hiện những hành vi tinh vi, và rất khó phát hiện. Chính vì vậy, để thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm như hiện nay cần rất nhiều vào công sức và sự giúp đỡ của người dân. “Người dân thấy tội phạm cướp giật mà tham gia hỗ trợ, ngăn chặn là một việc làm cao thượng mà không phải ai cũng làm được, bởi vậy cần có một chế độ phù hợp và mức thưởng tương xứng để khích lệ phong trào toàn dân tham gia bắt cướp và đẩy lùi những tệ nạn xấu”, Luật sư Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng VPLS Interla) nhìn nhận, đề xuất thưởng tiền cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm sẽ nâng cao tinh thần cho các cá nhân, tập thể tích cực tham gia tố giác, hành động ngăn chặn những hành vi phạm tội, giúp đỡ quá trình phòng, chống tội phạm được thuận lợi và hiệu quả hơn. Luật sư Hòe cho rằng cần phải có một mức thưởng phù hợp với từng người, từng việc và người tham gia phòng, chống tội phạm không nên có những hành động liều lĩnh gây ảnh hưởng tới tài sản, tính mạng, sức khỏe của bản thân và người xung quanh.
Người tham gia bắt cướp bị thương, ai lo viện phí?
Nói về những băn khoăn của người dân trong quá trình ngăn chặn tội phạm, luật sư Trương Quốc Hòe nêu quan điểm, những tha hóa của lối sống tiêu cực là nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội và tội phạm phát triển. Tội phạm phát triển ngày càng liều lĩnh, công khai và trắng trợn, công tác phòng, chống tội phạm trở thành một vấn đề cấp thiết và cần thiết.
Luật sư Trương Quốc Hòe
Ngày nay việc phạm tội ngày càng manh động, táo bạo, liều lĩnh, công khai và trắng trợn hơn với xu hướng phạm tội có tổ chức, sử dụng các loại vũ khí, hoạt động gây án liên tục, các vụ phạm tội với tính chất nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng ngày càng tăng.
Trong trường hợp người dân tham gia bắt cướp bị trọng thương, theo quy định tại Điều 5 Quyết định 47/2012/QĐ-TTg về Nội dung hỗ trợ từ Quỹ phòng chống tội phạm: Quỹ phòng chống tội phạm cấp Trung Ương, hỗ trợ đền bù, trợ cấp thiệt hại theo Quyết định của những người có thẩm quyền thuộc Trung ương cho các đối tượng trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma tuý bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản theo mức quy định tại Nghị định số 103/2002/NĐ-CP.
Và quỹ phòng chống tội phạm cấp tỉnh, hỗ trợ đền bù, trợ cấp thiệt hại theo Quyết định của những người có thẩm quyền thuộc địa phương cho cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma tuý bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản theo mức quy định tại Nghị định 103/2002/NĐ-CP.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Ngọc Anh cho biết, về việc viện phí của người tham gia bắt cướp bị trọng thương thì hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh. Theo chính sách hỗ trợ những người làm việc tốt, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm thì nhà nước sẽ hỗ trợ, giúp đỡ một phần viện phí cho cho họ để giúp họ ổn định tinh thần, và cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước.
“Do vậy, để nâng cao tinh thần, ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc giữ an toàn, an ninh khu vực được tốt hơn, thì nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời đối với những trường hợp mà người tham gia bắt cướp bị trọng thương, tạo ra niềm tin và sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với người dân”, Luật sư Ngọc Anh nhấn mạnh.
Về băn khoăn của một số người dân cho rằng nếu trong trường hợp người dân dùng xe truy đuổi, chặn bắt cướp họ gây tai nạn cho người khác hoặc tội phạm thì có bị truy tố hay không? Nếu gián tiếp khiến tội phạm tử vong thì có bị truy cứu trách nhiệm không? Theo luật sư Hòe, trong trường hợp người dân dùng xe truy đuổi, chặn bắt cướp họ gây tai nạn cho người khác hoặc tội phạm thì có bị truy tố. Và nếu người dân gián tiếp khiến tội phạm tử vong thì cũng bị truy cứu trách nhiệm về tội hình sự. Vì trong trường hợp phát hiện tội phạm, người dân có thể thông báo cho cơ quan công an giải quyết nếu thấy nguy hiểm. Hành động dùng xe truy đuổi, chặn bắt cướp gây tai nạn cho người khác hoặc gián tiếp khiến tội phạm tử vong là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 82 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định, người dân chỉ có quyền truy đuổi, bắt giữ người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã. Ngay sau khi bắt được tội phạm thì phải giao lại cho cơ quan công an có thẩm quyền giải quyết.