TAND tỉnh Hậu Giang tập huấn nghiệp vụ Hội thẩm nhân dân hai cấp
Ngày 15/11, TAND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 150 Hội thẩm nhân dân, Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên hai cấp.
Tham dự hội nghị có PGS TS Phạm Minh Tuyên, nguyên Thẩm phán cao cấp, nguyên Giám đốc Học viện Tòa án; ông Trương Đình Nghệ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang, cùng với các đồng chí thành viên Ban cán sự đảng TAND tỉnh, lãnh đạo các TAND thành phố, huyện.
Tại hội nghị, gần 150 đại biểu đã được PGS TS Phạm Minh Tuyên truyền đạt các nội dung về: “Kỹ năng xét xử các tội phạm về tham nhũng, chức vụ” và giải đáp các thắc mắc của các Hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử.
Trong giai đoạn hiện nay, với vai trò trung tâm của Tòa án trong công tác cải cách tư pháp thì không chỉ Thẩm phán, công chức khác của Tòa án phải có chuyên môn tốt mà đòi hỏi Hội thẩm nhân dân cũng phải được trang bị đầy đủ những kiến thức pháp lý, kỹ năng cần thiết khi tham gia xét xử tại Tòa án.
Vì vậy, việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ xét xử đối với Hội thẩm nhân dân hàng năm là thật sự cần thiết nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử án.
Trên thực tế thì việc xác định trách nhiệm pháp lý với các hành vi tham nhũng, các tội phạm khác về chức vụ và việc vận dụng đúng các quy định để xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi tham nhũng trong xã hội hiện nay cũng gặp không ít khó khăn, đòi hỏi mỗi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đều phải trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức pháp luật cần thiết cũng như cập nhật đầy đủ các văn bản hướng dẫn dưới luật để đảm bảo việc xét xử kịp thời, nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Đình Nghệ, Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh: “Qua đợt tập huấn này tôi mong rằng các Hội thẩm nhân dân hai cấp, các Thẩm phán, công chức Tòa án sẽ tiếp thu thật nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm quý báu mà giảng viên truyền đạt để áp dụng vào thực tiễn xét xử, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó, từng bước hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới”.
Tại hội nghị tập huấn, PGS TS Phạm Minh Tuyên truyền đạt các nội dung hoàn thiện luật phòng chống tham nhũng, chỉ ra những điểm giống và khác nhau giữa Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017, xác định các loại trách nhiệm pháp lý với hành vi tham nhũng còn tồn tại những bất cập nhất định, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn.
Từ đó, cho thấy cho thấy việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp để thống nhất cách xác định hành vi tham nhũng và xác định các loại trách nhiệm pháp lý tương ứng cho các hành vi đó là điều thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Hội nghị tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ là dịp gặp gỡ, trao đổi để đội ngũ Hội thẩm nhân dân bổ sung, hoàn thiện hơn kiến thức, kỹ năng chuyên môn cũng như học hỏi kinh nghiệm thực tiễn; qua đó vận dụng hiệu quả vào công tác xét xử đảm bảo nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Dịp này các Hội thẩm nhân dân, các Thẩm phán, thư ký sẽ có thêm kiến thức pháp luật cần thiết và những kinh nghiệm phù hợp với thực tiễn phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, góp phần cùng với Tòa án hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.