Cho vay lãi suất 1%/ngày có vi phạm pháp luật?
Sau dịch COVID-19 gặp khó khăn về tài chính, chủ một doanh nghiệp dùng tư cách cá nhân để vay tiền của các đối tượng ngoài xã hội với mức lãi suất 1%/ngày cao gấp 18 lần so với quy định để duy trì hoạt động công ty. Sau một thời gian gồng gánh đã lâm vào cảnh khốn cùng.
Bà Đỗ Thị Thu Thi thường trú tại phường Mỹ Phước, thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương hỏi:
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp do tôi quản lý gặp khó khăn về tài chính. Để đảm bảo đời sống cho công nhân, tôi đã dùng tư cách cá nhân để vay tiền của các đối tượng ngoài xã hội với mức lãi suất 1%/ngày tương đương 365%/năm để bù lỗ và duy trì hoạt động công ty. Trong thời gian vay, tôi đã thanh toán đầy đủ cả gốc lẫn lãi cho họ. Số tiền lãi tôi đã trả khoảng 67,85 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những đối tượng cho vay này cho rằng, tôi vẫn còn nợ tiền lãi hơn 71,25 tỷ đồng và buộc tôi phải ra phòng công chứng, văn phòng thừa phát lại làm hợp đồng vay nợ giả cách để hợp thức hóa số tiền lãi mà các đối tượng này đang đòi , cưỡng đoạt 01 chiếc xe nhãn hiệu BMW biển số đăng ký 61K-33136 đứng tên chủ sở hữu là Công ty TNHH xử lý môi trường W. của chồng tôi để cấn trừ nợ là 1 tỷ đồng. Cưỡng đoạt 01 chiếc xe ô tô hiệu Fortuner đứng tên chủ sở hữu là Công ty TNHH xử lý môi trường W. của chồng tôi để ép buộc tôi sẽ tiếp tục thanh toán tiền, cũng như ép buộc tôi phải ký các giấy ủy quyền, giấy nhận cọc nhà và đất của tôi để cưỡng đoạt số tiền này.
Điều đáng nói, 2 ô tô nói trên đều đang là tài sản thế chấp tại ngân hàng, nhưng các đối tượng này vẫn chiếm giữ dù chồng tôi đã có thông báo và yêu cầu họ hoàn trả. Việc làm này của họ có vi phạm pháp luật hay không? Vậy tôi phải gửi đơn đến cơ quan nào để xin được xử lý việc này?
Luật sư Dương Thị Tới (Đoàn luật sư TP.HCM) giải đáp như sau:
Vấn đề thứ 1 về cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Khoản 1 Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn:
1.“Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
2. “Thu lợi bất chính” là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay.
Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Như vậy, với nội dung câu hỏi bà Thi trình bày thì lãi suất đã vượt quá ngưỡng 100%/năm (khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015), nhưng cần phân tích thêm về số tiền thu lợi bất chính để xét xem từng lần cho vay các đối tượng đã thu lợi bất chính với số tiền như thế nào, có vượt ngưỡng 30 triệu trên 1 lần cho vay hay không? Trong trường hợp bên cho vay thu lợi bất chính vượt ngưỡng trên 30 triệu đồng cho một lần vay là vi phạm khoản 1 Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Vấn đề thứ 2 về cưỡng đoạt tài sản
Căn cứ Khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 thì tội cưỡng đoạt tài sản được hiểu như sau: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Theo bà trình bày, trường hợp cưỡng đoạt 01 chiếc xe nhãn hiệu BMW biển số đăng ký 61K-33136 đứng tên chủ sở hữu là Công ty TNHH xử lý môi trường W. để cấn trừ nợ là 1 tỷ đồng thì đã có dấu hiệu vi phạm vào khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên…”.
Như vậy, với nội dung câu hỏi mà bà Thi trình bày thì đối với tài sản do bà đứng tên thì bà nên làm đơn tố giác gửi cơ quan công an có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Còn đối với tài sản do Công ty TNHH xử lý môi trường W. của chồng bà đứng tên thì công ty nên làm đơn tố giác gửi đến cơ quan công an có thẩm quyền để xem xét giải quyết.
Ngoài ra, theo thông tin bà cung cấp thì 2 chiếc xe ôtô do công ty của chồng bà đứng tên đều là tài sản thế chấp tại ngân hàng thì công ty nói trên cần thông tin cho ngân hàng đang nhân thế chấp biết rõ việc này để cùng nhau xử lý vụ việc.
Trong trường hợp này, bà có thể làm đơn gửi đến Công an Thành phố Bến Cát để giải quyết theo thẩm quyền. Nếu gửi đơn hơn 30 ngày mà bà chưa nhận được thông tin gì thêm từ Công an Thành phố Bến Cát thì bà nên đến làm việc trực tiếp tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Bến Cát để biết thêm thông tin xử lý vụ việc.