Vụ nhận chìm gần 1 triệu m3 chất thải xuống biển: Bộ Công thương kỷ luật cán bộ

Đời sống - Ngày đăng : 13:26, 22/07/2017

Liên quan đến vụ nhận chìm gần 1 triệu m3 chất thải từ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Bình Thuận, Bộ Công thương đã kỷ luật 1 cán bộ.

Theo đó, ông Hà Quốc Quân - Giám đốc Trung tâm tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách của Bộ Công thương, đồng thời là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam.

Doanh nghiệp ông Quân đứng đầu chính là đơn vị tư vấn cho dự án của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, đơn vị đang xin đổ 1 triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận.

Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 22/7, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác làm việc với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp để xác minh thông tin  việc ông Hà Quốc Quân tham gia điều hành doanh nghiệp trong thời gian trong khi đang là viên chức tại Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp.

Vụ nhận chìm gần 1 triệu m3 chất thải xuống biển: Bộ Công thương kỷ luật cán bộ

Việc cấp phép nhận chìm gần 1 triệu mét khối chất thải xuống biển Bình Thuận chưa tạo được sự đồng thuận

Kết quả buổi làm việc cho thấy, việc ông Hà Quốc Quân, Giám đốc trung tâm là viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp là vi phạm điều 37 luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi bổ sung 2012), vi phạm luật Viên chức. Theo đó, viên chức không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đã yêu cầu Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp tiến hành việc kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và xem xét xử lý kỷ luật đối với ông Hà Quốc Quân theo đúng quy định.

Viện trưởng viện này sau đó đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Hà Quốc Quân để tập trung kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và sẽ xem xét xử lý kỷ luật ông Hà Quốc Quân theo đúng quy định.

Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 13/7 vừa qua, một bản kiến nghị tạm dừng Quyết định nhận chìm gần 1 triệu mét khối bùn thải xuống biển Bình Thuận đã được gửi lên Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ban, ngành và địa phương có liên quan.

Tại bản kiến nghị, 13 tổ chức bảo vệ môi trường và xã hội tham gia đã nhất trí cho rằng, những thông tin từ cơ quan chức năng đưa ra chưa tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của dư luận xã hội và các nhà khoa học. Nhiều câu hỏi đưa ra chưa được giải đáp thích đáng, điều này cho thấy sự minh bạch thông tin chưa có. Việc công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) của dự án này khó thuyết phục cộng đồng và thiếu cơ sở giám sát thực thi.

Trước đó, ngày 23/6, Bộ TN-MT đã cấp giấy phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm ra biển gần 1 triệu m3 vật liệu nạo vét thu được từ việc thi công vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ của nhà máy.

Vật, chất được phép nhận chìm thuộc danh mục được nhận chìm ở biển gồm: 20% là bùn, 80% là cát, sỏi, vỏ sò,… Khu vực nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau (huyện Tuy Phong) 8km.

Phương tiện nhận chìm là các sà lan phễu chuyên dùng, nhận chìm theo hình thức mở đáy sà lan và sử dụng lưới chắn bùn nhằm giảm thiểu phát tán vật, chất nhận chìm.

Việc nhận chìm từ tháng 6 đến tháng 10, tức là vào mùa gió Tây Nam, để đảm bảo bùn lắng phát tán trong nước không lan đến khu vực Hòn Cau cũng như khu vực nuôi tôm giống.

Việc nhận chìm cho phép tiến hành từng bước, dưới sự kiểm tra, quan trắc môi trường biển một cách chặt chẽ của các đơn vị liên quan.

Việc cấp phép này đã vấp phải những sự phản ứng gay gắt của các nhà khoa học cũng như dư luận xã hội. Đa số ý kiến đều cho rằng, việc cấp phép nhận chìm hàng triệu mét khối chất thải xuống biển sẽ tạo tiền lệ xấu và không tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội.

 

Duy Uyên