Kinh tế

Triển vọng "cán đích" xuất khẩu của ngành dệt may

Hải Long 12/11/2024 - 19:01

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cuối năm là cao điểm cho đơn hàng sản xuất mùa lễ hội Giáng sinh và năm mới, nên mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD của ngành dệt may năm 2024 rất khả thi.

Đơn hàng dồi dào, xuất khẩu tăng 10% so với cùng kỳ

Số liệu từ Tổng Cục Thống kê mới công bố gần đây, 10 tháng năm 2024, dệt may đứng thứ 4 trong nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước với 30,572 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ.

Đứng đầu là "ông lớn" trong ngành dệt may - Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024 tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả sản xuất kinh doanh trong 3 quý hoàn thành 73,6% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ; lợi nhuận bằng 80% kế hoạch, tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Khả năng hoàn thành đúng kế hoạch năm 2024 của Tập đoàn là rất lớn.

detmay.jpg
Khả năng hoàn thành đúng kế hoạch năm 2024 của Tập đoàn là rất lớn. (Ảnh minh họa)

Theo nhận định của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam đang có phục hồi tốt. Cụ thể, thị trường Mỹ lạm phát tháng 8/2024 ở mức 2,5%, là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021; doanh số bán lẻ tháng 8 đã tăng 2,11% so với cùng kỳ.

Kinh tế châu Âu cũng dần được kiểm soát, lạm phát tháng 8 ở mức 2,4%, là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021; doanh số bán lẻ tăng nhẹ. Thị trường Nhật Bản, GDP quý 2 năm 2024 tăng 2,9% so với cùng kỳ, tăng 7% so với quý trước, mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao nhưng chi tiêu hộ gia đình có xu hướng tăng nhẹ.

Công ty Dệt may Thành Công cho biết, đã nhận khoảng 92% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV và khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2024. Ngoài ra, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng các thị trường còn nhiều dư địa, tìm kiếm thị trường mới, đồng thời đẩy mạnh thị trường nội địa. Với dự báo tình hình xuất khẩu dệt may sẽ khả quan hơn vào các tháng cuối năm và căn cứ vào mức độ tiếp nhận đơn hàng, Dệt may Thành Công đang hy vọng sẽ đạt kế hoạch trong năm này.

Theo các chuyên gia nhận định, thị trường xuất khẩu dệt may trong 9 tháng vừa qua có sự phục hồi là do sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam. Tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm trước, cộng với sức mua có xu hướng tăng đã tạo nên sự phục hồi nhu cầu đặt hàng từ các đối tác.

Trong dài hạn, khi chính sách cắt giảm lãi suất tại các thị trường lớn thực sự có tác động tích cực đối với nền kinh tế, tạo ra việc làm ổn định và sức mua, đơn giá sẽ còn cải thiện hơn nữa.

Chính sách hiệu quả giúp ngành dệt may vượt khó thành công

Theo đánh giá của các chuyên gia, các hiệp định thương mại tự do đang đóng góp lớn vào sức tăng trưởng của ngành dệt may.

Bộ Công Thương cho biết, dệt may là một trong những ngành hàng đang hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

CPTPP đã tạo ra cơ hội lớn cho dệt may Việt Nam tiếp cận các thị trường mới như Canada, Australia, New Zealand và cũng giúp doanh nghiệp thích ứng với cách thức mua hàng của nhà nhập khẩu trong khối, tạo ra sự tăng trưởng rất rõ khi xuất khẩu sang các nước nội khối, đặc biệt là châu Mỹ.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may của Việt Nam sang 10 thị trường đối tác CPTPP tháng 7/2024 đạt 660,11 triệu USD, tăng 22,58% so với tháng trước và tăng 10,86% so với cùng kỳ. 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên CPTPP tăng 6,94% so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 3,66 tỷ USD, chiếm 18,05% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang tất cả các thị trường.

Trong đó, xuất khẩu dệt may tăng mạnh nhất ở thị trường Mexico. 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mexico tuy chỉ chiếm 3,25% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng sang các đối tác khối thành viên CPTPP nhưng tăng 31,84% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy vậy, dù đạt nhiều kết quả khả quan, ngành dệt may trong nước vẫn đang chịu áp lực cạnh tranh lớn khi xuất khẩu sang thị trường CPTPP.

Chẳng hạn như, một số nước được hưởng ưu đãi thuế quan do là nước kém phát triển, trong khi đó Việt Nam lại có chi phí lao động cao hơn và áp lực về các khoản bảo hiểm xã hội, y tế và phải thực hiện đồng bộ các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tuy nhiên, so sánh về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có lợi thế nhờ vị trí địa lý, hệ thống cảng lớn, khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm giá trị cao như áo vest, áo khoác mùa đông, đồ bơi… với mẫu mã phong phú, giao hàng nhanh.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: Mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD của ngành dệt may năm 2024 rất khả thi bởi cuối năm là cao điểm cho đơn hàng sản xuất mùa lễ hội Giáng sinh, năm mới.

Bên cạnh đó, khủng hoảng chính trị tại tại một số nước, như Bangladesh - quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn của thế giới, sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp ngành may mặc Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, bù đắp nguồn cung cho thị trường thế giới.

Theo nhận định của các chuyên gia, dù thị trường xuất khẩu đang có tín hiệu hồi phục tốt, các doanh nghiệp vẫn cần cẩn trọng, quản trị chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát kế hoạch để có thể hoàn thành mục tiêu và tiếp tục xu hướng phát triển vào năm 2025 và những năm tới.

Hải Long