Phiên tòa giả định: Kết nối hiệu quả, thiết thực luật pháp với thế hệ trẻ
Sáng nay (12/11), Báo Công lý phối hợp với Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG), Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội tổ chức sự kiện tìm hiểu pháp luật với chủ đề “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” thông qua bộ tài liệu “Mô hình Phiên toàn giả định”.
Giáo dục từ những bài học sát với thực tế
Tham dự sự kiện có ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG; ông Trần Đức Vinh Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Công tác thông tin tuyên truyền TAND, Tổng Biên tập Báo Công Lý; TS. Đồng Trung Chính, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội; bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng vụ Công tác Học sinh sinh viên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ&TBXH); Đại tá Lê Huy Trí Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Cảnh sát (Học viện Cảnh sát nhân dân); ông Hồ Xuân Thắng, Chánh Văn phòng UBATGT TP.Hà Nội; Trung tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng PC08 Công an TP.Hà Nội; Luật sư Võ Ngọc Dao, Công ty Luật ATD, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và 1442 học sinh, sinh viên, cùng các phụ huynh, giáo viên Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, ông Lê Kim Thành Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG cho biết: Chúng ta có mặt tại sự kiện vô cùng ý nghĩa và quan trọng này nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Đây là một bước tiến, một cách làm mới trong công tác truyền thông về TTATGT được triển khai thông qua Bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” – một cách làm sáng tạo, gần gũi, và dễ dàng tiếp cận với người dân.
"Đây cũng là một trong các hoạt động chính nhằm cụ thể hóa Kế hoạch hành động của UBATGTQG về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” hiện đang được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Sự kiện là lời nhắc nhở sâu sắc. Nói “không” với việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, để bảo vệ an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn này sẽ góp phần quan trong việc giảm thiểu những nỗi đau, những mất mát không gì bù đắp nổi do TNGT gây ra.”, ông Thành nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ của chương trình, Ban tổ chức đưa ra những tình huống giả định từ vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu, bia khi lái xe; giao xe cho người không đủ tuổi điều kiện tham gia giao thông, các mức hình phạt...
Sau phần trình chiếu tình huống, các đại biểu, cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh và phụ huynh đã tương tác, trả lời các câu hỏi tới từ Ban Tổ chức.
Những câu hỏi thiết thực từ thực tiễn đã được đặt ra cho các em học sinh, sinh viên về việc sử dụng phương tiện giao thông khi không đủ tuổi, đủ điều kiện tham gia. Với những bậc phụ huynh cũng có những câu hỏi liên quan đến việc giao xe cho con, em. Buổi học tập đã thực sự sôi nổi và thu hút được đông đảo chú ý của tất cả mọi người có mặt trong sự kiện.
Thông qua trao đổi từ phiên tòa giả định, các học sinh, sinh viên được nghe và hiểu hơn các vấn đề liên quan đến việc tham gia giao thông an toàn.
Trải nghiệm thực tế về pháp luật
Trung tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng PC08 Công an TP.Hà Nội cho biết: Nội dung buổi tìm hiểu pháp luật ngày hôm nay được xây dựng sinh động, sát với thực tế, giúp các em học sinh nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, hàng năm cần tổ chức các phiên tòa giả định về các vấn đề thực tiễn khác trong đời sống của các em học sinh, từ đó nâng cao nhận thức và phóng tránh được các tai nạn giao thông, sai phạm giao thông.
"Đây là diễn đàn để các cấp chính quyền, nhà trường, các tổ chức đoàn thể, hội, các gia đình nâng cao trách nhiệm trong việc tuyên truyền, quản lý, giáo dục, hướng dẫn kỹ năng cho lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông vì mục tiêu "tính mạng con người là trên hết", Trung tá Long nói.
Phiên tòa giả định cũng đưa ra phần xét xử dưới dạng video. Trong đó có đầy đủ những phần thủ tục xét hỏi, tranh tụng, nghị án và tuyên án. Khi nghe Hội đồng xét xử tuyên án, cả sân trường đều im lặng. Vì nhiều người không nghĩ, những sự việc xảy ra hàng ngày, rất hay bắt gặp, nếu không cẩn thận lại mang lại hậu quả nặng nề đến như vậy.
Em Phạm Trung Hiếu, sinh viên Khoa nghề Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí, Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội cho biết: "Đầu tiên khi xem tình huống em thấy vui vui vì như xem lại một hoạt cảnh thực tế được dựng lại. Nhưng đến phần xét xử và bản án đưa ra thì em đã thực sự không ngờ. Đúng là trong thực tế, em cũng gặp nhiều trường hợp giao, nhận phương tiện cho người chưa đủ điều kiện. Nhưng không ngờ là nếu có trường hợp không hay xảy ra thì hậu quả lại nghiêm trọng đến thế”.
Phiên tòa giả định đã giúp học sinh hiểu được các hành vi nào được coi vi phạm về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phiên tòa đã phân tích nguyên nhân, hậu quả việc làm vi phạm pháp luật của các bị cáo để đưa ra quyết định xử phạt nghiêm minh. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức về việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Góp phần xây dựng môi trường giao thông lành mạnh, an toàn và hiệu quả.
Bên cạnh việc tìm hiểu pháp luật với chủ đề “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” thông qua bộ tài liệu “Mô hình Phiên toàn giả định”, trước đó, từ ngày 06/11 đến ngày 08/11/2024, Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội HIEC đã phối hợp với Báo Công lý và các đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về công tác đảm bảo an toàn giao thông nói chung, đặc biệt là hành vi “không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.
Thông qua cuộc thi, với 4 khối kiến thức gồm: Khối nội dung; Khối tình huống thực tế; Khối kiểm tra kiến thức; và Khối đo chỉ số kiến thức; cùng những tình huống thực tế được thể hiện dưới dạng video clip đồ họa thân thiện, bắt mắt đã giúp học sinh, sinh viên dễ dàng lĩnh hội, ghi nhớ những kiến thức pháp luật vốn được cho là khô khan, khó nhớ.
Tính từ khi hệ thống được mở vào ngày 6/11 tới ngày 8/11, cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về công tác đảm bảo an toàn giao thông nói chung, đặc biệt là hành vi “không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” đã có hơn 2 nghìn người dùng đăng ký và tham gia cuộc thi, có khoảng 40 người đạt từ 25 điểm, khoảng 1.000 người đạt từ 20 điểm. Sau thời gian chấm điểm cuộc thi online, Ban giám khảo đã lựa chọn được 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích.
Trong khuôn khổ sự kiện, hiệu trưởng trường HIEC đã trao quà và giấy khen cho các em sinh viên đạt kết quả cao tại cuộc thi.