Bài 1: Chuẩn hoá và nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình
Ngày 05/02/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Ngày 05/02/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Nghị quyết là sự chuẩn hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trước các vấn đề mang tính thời sự, bức xúc trong thực tiễn đời sống xã hội, đồng thời thể hiện rõ nét tinh thần luôn đổi mới trong hoạt động của Quốc hội.
Từ “chưa có” đến kiến tạo hành lang pháp lý chuẩn mực
Trước khi Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 được ban hành, hoạt động giải trình của Quốc hội Việt Nam vẫn diễn ra nhưng chưa có một khung pháp lý cụ thể và chi tiết như hiện nay. Một số đặc điểm nổi bật có thể thấy trong giai đoạn này đó là: khung pháp lý quy định liên quan đến hoạt động giải trình chưa hoàn thiện; hoạt động giải trình diễn ra theo yêu cầu từ đại biểu; thiếu tính hệ thống và thường xuyên; việc theo dõi và đôn đốc thực hiện các kết luận sau phiên giải trình còn chưa chặt chẽ.
Trước đây, hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội không được quy định trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1954, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (không bao gồm Nghị quyết sửa đổi, bổ sung). Chỉ sau khi tổ chức thí điểm những phiên giải trình có chất lượng kể từ năm 2010, tại Khoản 2, Điều 3 Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội mới mở ra “bản lề” yêu cầu tăng cường hoạt động giải trình Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Mãi đến sau này, tại Điều 77 Hiến pháp năm 2013 mới quy định rõ về việc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền đề nghị thành viên Chính Phủ cùng những cá nhân liên quan phải cung cấp tài liệu hoặc báo cáo giải trình về những vấn đề cấp bách.Ngay sau đó, tại Điều 82 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đã thể hiện đúng nội dung và tinh thần về hoạt động giải trình của Hiến pháp năm 2013, nâng cao trách nhiệm báo cáo, giải trình của người được yêu cầu giải trình cũng như Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong hoạt động giám sát, cụ thể: “Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải kết luận về vấn đề được giải trình.”
Tiếp nối tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt đó, tại Điều 37, Điều 43 Luật Hoạt động giám sát năm 2015 của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã bước đầu đề cập và quy định sơ khai về cách thức, trình tự, thủ tục, vấn đề cần giải trình mà Hiến pháp, luật và các văn bản pháp luật quy định trước đó còn chưa nêu rõ. Sau khi Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 ra đời mới giải quyết được những tồn tại, hạn chế còn tồn đọng của Luật Hoạt động giám sát năm 2015. Từ đây, sự mập mờ về mặt pháp lý đối với hoạt động giải trình chính thức chấm dứt.
Đây được xem là Nghị quyết đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhằm thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng hoạt động giải trình. Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 ra đời có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; là văn bản hướng dẫn, là cẩm nang trong hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Tạo khung pháp lý để hoạt động giải trình rõ ràng hơn
Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 đã cung cấp một khung pháp lý chi tiết, rõ ràng, được quy định cụ thể và thể hiện qua các khía cạnh sau: nguyên tắc, phạm vi, tiêu chí lựa chọn vấn đề, và trình tự thủ tục tổ chức hoạt động giải trình. Điều này giúp các cơ quan, cá nhân liên quan bám sát các nội dung và thực hiện đúng các quy định, nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình.
Theo đó, nguyên tắc hoạt động giải trình cần đảm bảo tính pháp lý và hiệu quả như sau: mọi hoạt động giải trình phải được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp và các luật liên quan, đảm bảo tính hợp pháp và tính chính danh của quy trình. Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 đồng thời chi tiết hóa các nguyên tắc hoạt động giám sát, bao gồm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả, đảm bảo rằng các phiên giải trình được tổ chức khách quan, toàn diện.
Nghị quyết cũng quy định về việc hoạt động giải trình phải tuân thủ đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục của các cơ quan và cá nhân tham gia. Điển hình như trong phiên giải trình về quản lý và sử dụng đất đai. Các vấn đề liên quan đến thẩm quyền cấp phép, quản lý đất đai phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn liên quan. Điều này giúp đảm bảo rằng các quyết định và hành động của các cơ quan liên quan được thực hiện một cách đúng đắn và có cơ sở pháp lý.
Mặt khác, một trong những nguyên tắc của hoạt động giải trình là: không cản trở hoạt động bình thường. Các phiên giải trình không được gây cản trở cho hoạt động bình thường của người được yêu cầu giải trình cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Hoạt động giải trình phải được tổ chức một cách khách quan, công bằng, không thiên vị, và không bị chi phối bởi bất kỳ lợi ích cá nhân hoặc nhóm nào, đồng thời phải linh hoạt và kịp thời để đáp ứng các vấn đề cấp bách.
Về phạm vi hoạt động giải trình phải liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Các vấn đề được lựa chọn phải là những vấn đề bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm, hoặc có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội.
Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 cũng quy định rõ trình tự và thủ tục tổ chức phiên giải trình, bao gồm: hoạt động chuẩn bị, tiến hành thực hiện và giám sát sau giải trình. Các chủ thể liên quan cần xác định rõ các bước chuẩn bị trước phiên giải trình, bao gồm việc thu thập thông tin, chuẩn bị câu hỏi, và thông báo cho các bên liên quan. Trong nội dung tiến hành giải trình, quy định cụ thể về cách thức tiến hành phiên giải trình, bao gồm việc đặt câu hỏi, trả lời, thảo luận và ghi nhận kết quả. Đối với việc theo dõi và đánh giá sau phiên giải trình, thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội thực hiện theo dõi, đánh giá kết quả và việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của phiên giải trình đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo yêu cầu tại kết luận hoặc theo yêu cầu đột xuất, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện báo cáo kết quả thực hiện kết luận.
Như vậy, Nghị quyết đã quy định rõ vai trò của các bên liên quan trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động giải trình gồm: trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc tổ chức, điều hành các phiên giải trình, đảm bảo tính công khai, minh bạch và khách quan. Đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu, thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị sau phiên giải trình.
Điểm sáng nổi bật trong Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 là việc Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện kết luận vấn đề được giải trình; xem xét, đánh giá báo cáo việc thực hiện kết luận và báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc theo dõi thực hiện kết luận vấn đề được giải trình được tổng hợp vào báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Theo đó, trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chậm thực hiện kết luận vấn đề được giải trình thì Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình và làm rõ trách nhiệm về việc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chậm thực hiện kết luận; kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trường hợp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có kiến nghị về việc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chậm thực hiện kết luận vấn đề được giải trình thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kiến nghị giám sát theo trình tự quy định tại khoản 2 Điều 33 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Điều 50 Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận vấn đề được giải trình, cũng như quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan đã chứng minh quyết tâm cao độ trong việc đảm bảo thực hiện đúng cam kết và trách nhiệm, uy tín của cơ quan Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình đồng thời tăng cường tính minh bạch, công khai, từ đó góp phần cải thiện các chính sách chủ trương phục vụ nhân dân tốt hơn.
Quốc hội đã tổ chức nhiều hội nghị để triển khai, thảo luận về Nghị quyết nhằm ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình. Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 969 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức hoạt động giải trình ngày 19/3/2024, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Văn Phương nhấn mạnh rằng: “Cần nhận thức sâu sắc mục đích chính của hoạt động giải trình. Bên cạnh việc xác định rõ trách nhiệm, hoạt động giải trình còn nhằm nghiên cứu, phân tích và đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật, từ đó đưa pháp luật vào cuộc sống một cách hiệu quả. Đồng thời, hoạt động giải trình cần được gắn kết chặt chẽ với các hoạt động và chính sách khác, cung cấp cơ sở thực tiễn cho quá trình lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Với tinh thần đó, hoạt động giám sát nói chung và giải trình nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo phát triển”.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các cử tri tin tưởng Quốc hội và các cơ quan nhà nước sẽ giải quyết một cách nghiêm túc, triệt để các vấn đề “nóng", bức xúc trong xã hội. Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 trong hoạt động giải trình, có thể thấy Nghị quyết đã sớm phát huy hiệu quả, gia tăng niềm tin của cử tri, giúp hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội ngày càng có chiều sâu, đồng thời hiện thực hoá việc xem hoạt động giải trình là kênh để làm tốt sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực Nhà nước, tạo đà cho sự kiến tạo và phát triển đất nước.
Thực hiện: Trung úy Nguyễn Nhật Anh - Trung úy Nguyễn Thị Khánh Hà - Thanh Trà
Ảnh: Báo Công lý - Quochoi.vn - Bloomberg