Áp lãi suất ngoại tệ 0% để tránh đầu cơ, găm giữ và đô la hóa nền kinh tế
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, tăng lãi suất gửi ngoại tệ lên có nghĩa người nắm giữ ngoại tệ vừa được hưởng lợi về những biến động tỉ giá, còn được lãi suất tiền gửi có thể gây tâm lý chuyển dịch từ VNĐ sang ngoại tệ, gây rủi ro trở lại.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng nay, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng.
Chất vấn Thống đốc NHNN, Đại biểu Phạm Văn Hoà- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, kiều hối gửi về nước hiện nay rất nhiều "mà gửi thì lãi suất 0%, tại sao ngân hàng Nhà nước không vay của dân, có lợi cho dân mà lại đi vay nước ngoài, trong khi có thể vay của dân lãi suất thấp hơn vay nước ngoài?"
Trả lời đại biểu về lý do áp lãi suất 0% với đồng đô la Mỹ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết trước đây thị trưởng ngoại hối, tỉ giá của Việt Nam trải qua những biến động, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Từ năm 2016, NHNN áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp quan trọng về kiên định điều hành theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định giá trị Việt Nam đồng.
Cùng với đó có những chính sách kết hợp chính sách lãi suất và tỉ giá để sao cho việc nắm giữ Việt Nam đồng hấp dẫn và có lợi hơn.
Theo đó lãi suất đô la Mỹ đưa về 0% và thực hiện các giải pháp để ổn định tỉ giá, ban hành các thông tư hạn chế doanh nghiệp mua trước khi có nhu cầu về ngoại tệ.
Đặc biệt, NHNN điều hành tỉ giá trên cơ sở tỉ giá trung tâm, hàng ngày có biến động lên xuống, giúp giảm tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Theo đó, doanh nghiệp và người dân có đô la bán cho tổ chức tín dụng để bán lại cho NHNN. Vì thế dự trữ ngoại hối Nhà nước mới gia tăng có lúc lên đến hàng trăm tỉ đô la Mỹ (cuối 2015 chỉ có khoảng 30 tỉ đô la Mỹ).
"Chúng tôi thấy đây là giải pháp chính sách rất hiệu quả và rất tốt, có hiệu quả cho ổn định kinh tế vĩ mô. Còn bây giờ tăng lãi suất gửi ngoại tệ lên có nghĩa người nắm giữ ngoại tệ vừa được hưởng lợi về những biến động tỉ giá, còn được lãi suất tiền gửi có thể gây tâm lý chuyển dịch từ VNĐ sang ngoại tệ, gây rủi ro trở lại"- bà Hồng nêu quan điểm.
Tranh luận sau đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, những nội dung này là cử tri gửi gắm để ông hỏi, đây cũng là những vấn đề hệ trọng.
Liên quan đến vấn đề huy động vốn từ kiều hối, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, theo số liệu từ năm 1993 - 2023, lượng kiều hối về Việt Nam rất lớn, với 206 tỉ USD. Tuy nhiên, ngân hàng không chủ động huy động nguồn vốn này, mà nếu có huy động chỉ trả lãi suất bằng 0%.
Trong khi đó, Nhà nước lại đi vay ODA với lãi suất cao hơn, người dân trong nước có tiền mà lại không vay đi vay nước ngoài. "Tại sao chúng ta không vay USD của người dân với lãi suất thấp hơn so với vay nước ngoài, để tạo động lực cho kiều bào gửi tiền về Việt Nam nhiều hơn".