Vấn đề quan tâm

Chuyên gia pháp lý nói gì về vụ rừng do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý bị “lâm tặc” đốn hạ?

Lê Hiếu 11/11/2024 - 11:04

Theo quy định hiện hành, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà người có hành vi hủy hoại rừng có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như Báo Công lý đã phản ánh, rừng do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý bị chặt hạ 2 điểm thuộc lô 8, lô 12 và lô 13 khoảnh 1, tiểu khu 702. Tổng diện tích thiệt hại là 1,78ha với tổng khối lượng khoảng từ 85-90 m3 gỗ tròn chưa xác định được chủng loại và nhóm gỗ.

z5864967666661_704e2d35caf1f9c3a5359d7b80829713.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường sau phản ánh của của Báo Công lý.

Trước đó, trao đổi với PV, ông Vũ Trọng Hiếu, Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Ea Kar cho biết, đơn vị đang tiến hành đo đếm khối lượng gỗ thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ, mời các cơ quan gồm Công an, Viện Kiểm sát huyện để tố chức khám nghiệm hiện trường và trưng cầu giám định xử lý các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trao đổi về vụ việc, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, mặc dù trong thời gian qua các cấp chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp nhưng thực trạng rừng, đất rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh nói chung, tại các Công ty Lâm nghiệp, các Dự án quản lý, bảo vệ rừng nói riêng bị xâm hại, lấn chiếm trái pháp luật là vấn đề tồn tại kéo dài nhưng trong nhiều năm qua chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm.

z5855085538800_6d48854128b35ec92ecdb9e878cc1786(1).jpg
Một khoảnh rừng bị tàn phá nhìn từ trên cao.

Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 681 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại 190,807 ha.

“Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm lâm được quy định tại Điều 103, 104 Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; Quyết định số 83/2007/QĐ-BNN ngày 04/10/2007 của Bộ NN&PTNT về nhiệm vụ công chức Kiểm lâm địa bàn cấp xã; do đó, đối với sự việc này, Hạt Kiểm lâm, Công chức Kiểm lâm địa bàn thực hiện chưa đầy đủ chức năng, nhiệm vụ”, ông Hưng nói.

Theo Luật sư Nguyễn Quang Cảnh, Công ty luật TNHH Hoàng Việt Luật, Chi nhánh Đắk Lắk, trong vụ án này diện tích rừng bị hủy hoại tại 02 tọa độ, một là 1,46ha (tương đương 14.600m2); khối lượng gỗ thiệt hại 91,971m3 gỗ tròn và một nơi là 0,32ha (tương đương 3.200m2), với số gỗ bị hủy hoại là 5,038m3 gỗ tròn.

"Căn cứ theo điều 243 Bộ luật hình sự, trong vụ việc này đã đủ yếu tố để khởi tố vụ án hình sự nếu tính về diện tích bị hủy hoại. Để xảy ra tình trạng phá rừng, hủy hoại rừng thì trách nhiệm trước hết thuộc về lực lượng kiểm lâm được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; thứ hai là chính quyền địa phương nơi có rừng”, Luật sư Cảnh quan điểm.

Cũng theo chuyên gia pháp lý này, trong trường hợp quá trình điều tra mà phát hiện, ngoài các bị can có liên quan trực tiếp đến hành vi tội phạm, thì các cán bộ có thẩm quyền có buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm hoặc có hành vi đồng phạm, tiếp tay cho các bị can hủy hoại rừng thì cũng có thể bị xử lý về các tôi như: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 360 BLHS hoặc đồng phạm với các bị can về Tội hủy hoại rừng.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Lê Hiếu