Đại biểu Quốc hội: Tại sao Nhà nước chỉ bán mà không mua vàng?
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, NHNN chỉ cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng, các đơn vị chủ động xem xét, mở địa điểm. NHNN chưa đặt vấn đề mua lại mà chủ yếu tăng cung vàng...
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 11/11, Quốc hội bắt đầu tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Vì sao chỉ bán vàng ở Hà Nội, TP.HCM mà không bán khắp cả nước?
Chất vấn Thống đốc NHNN, Đại biểu Phạm Văn Hoà- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cho biết, vì sao ngân hàng chỉ bán vàng ở Hà Nội, TP.HCM mà không bán khắp tỉnh thành cả nước?
Đặc biệt, việc bán vàng miếng điều tiết, "bán không mua", dân muốn bán thì bán ở đâu? Ngân hàng bán thì chỉ ở Hà Nội và TPHCM mà không bán khắp cả nước? Ngân hàng không mua thì các cửa hàng cũng không mua.
Bên cạnh đó, Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng đề nghị Thống đốc cho biết vì sao kiều hối gửi về nước hiện nay rất nhiều mà gửi thì lãi suất 0%? Tại sao ngân hàng Nhà nước không vay của dân, có lợi cho dân mà lại đi vay nước ngoài, trong khi có thể vay của dân lãi suất thấp hơn vay nước ngoài?
Trả lời đại biểu Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, "NHNN chưa đặt vấn đề mua lại mà chủ yếu tăng cung vàng. Hiện có 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng. Còn câu chuyện doanh nghiệp không mua vàng của cá nhân có thể vì lý do cân đối tiền, không mua".
"NHNN chỉ cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng, các đơn vị chủ động xem xét, mở địa điểm. Chúng tôi thấy nhu cầu mua bán vàng chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM và chủ yếu ở thành phố lớn"- Bà Hồng cho biết.
Giải pháp nào bình ổn giá vàng?
Cùng vấn đề, Đại biểu Lưu Văn Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk nêu, ngày 14/4, Văn phòng Chính phủ ban hành thống báo số 160 về kết luận của Thủ tướng bàn về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Trong đó, giao NHNN khẩn trương thực hiện các giải pháp bình ổn, quản lý thị trường.
"Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện yêu cầu trên như thế nào, tác động đến giá vàng, thị trường vàng hiện tại và trong tương lai ra sao?"
Trả lời đại biểu, Thống đốc cho biết, đối với việc bình ổn giá vàng, có thể nói, thị trường Việt Nam biến động là diễn biến chung với các nước trên thế giới.
Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 24 và thực hiện các giải pháp ổn định từ năm 2013. Nhưng từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng tương đối ổn định và nhu cầu giảm. Bắt đầu từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao và theo đó diễn biến giá tăng kéo theo.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp thị trường. Từ tháng 6/2024, giá vàng quốc tế lập đỉnh cao. Trước khi can thiệp, giá kim loại thế giới vào khoảng 2.300- 2.400 USD/ounce. Chênh lệch giá vàng giữa quốc tế và trong nước tăng cao, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này.
NHNN căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành, tổ chức đấu thầu vàng. Đây là giải pháp NHNN thực hiện hiệu quả. Nhưng qua 9 phiên, chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế vẫn tương đối cao.
Để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch giá vàng, NHNN chuyển sang phương án bán vàng trực tiếp thông qua 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước và SJC. Từ đó, chênh lệch đang từ mức 15-18 triệu đồng/lượng xuống còn 3-4 triệu đồng/lượng.
"Thị trường vàng tiếp tục có diễn biến khó lường, phức tạp. Việt Nam là quốc gia không sản xuất vàng, nên việc can thiệp phụ thuộc vào nhập khẩu vàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và đưa ra chính sách phù hợp"- bà Hồng thông tin.