Tin địa phương

Trà Vinh: Tiếp tục phấn đấu phát triển ổn định kinh tế, xã hội

Xuân Phương 10/11/2024 - 10:00

Triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thuận lợi, khó khăn đan xen; vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh trong 10 tháng năm 2024 và trong tháng 10 tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, hầu hết các chỉ tiêu có mức tăng khá hơn so với cùng kỳ năm 2023.

nong-nghiep.jpg
Sản xuất nông nghiệp tỉnh Trà Vinh vẫn được giá trị ở mức cao

Đối với sản xuất nông nghiệp, địa bàn tỉnh có những thuận lợi như: nguồn nước ngọt dồi dào, phục vụ cho nhu cầu sản xuất, các loại bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi cơ bản được kiểm soát; sản lượng hoa màu, cây ăn trái, thủy sản đạt khá; giá các loại nông sản như lúa, hoa màu, dừa khô, heo hơi giữ ở mức cao;

Giá tôm nước lợ tăng trở lại, nông dân rất phấn khởi; giá các loại vật tư đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hóa chất dùng trong nuôi thủy sản cơ bản ổn định; tổng diện tích nuôi thủy sản đạt cao hơn cùng kỳ, đặc biệt là tình hình nuôi thâm canh mật độ cao phát triển mạnh.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, tháng 10/2024 tập trung vào chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã trồng trong năm trước và trồng mới được 76,68 ha rừng, nâng tổng số từ đầu năm 2024 đến nay trồng mới được 288,88 ha, so cùng kỳ tăng 225,38 ha.

Trong tháng 10/2024, sản lượng khai thác gỗ ước đạt 3.496 m3, nâng tổng số đến nay ước đạt 54.663 m3, so cùng kỳ giảm 0,87% hay giảm 478 m3.

Sản lượng khai thác củi trong tháng 10 ước đạt 40.204 ste, nâng tổng số đến nay ước đạt 223.244 ste, so cùng kỳ giảm 1,99% hay giảm 4.531 ste.

Sản lượng thuỷ sản tháng 10/2024 ước đạt 22.950 tấn tôm cá các loại, giảm 5,12% so cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 205.062 tấn, so cùng kỳ tăng 1,82%.

thuy-san.jpg
Nông dân xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải nuôi tôm thẻ theo hình thức công nghiệp. (Ảnh: Báo Trà Vinh)

Tháng 10/2024 tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục nhiều thuận lợi, ngành khai khoáng hai công ty được nâng công suất khai thác cát biển nên đã góp phần đưa chỉ số ngành khai khoáng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến chế tạo nhiều ngành thu hút nhiều lao động như: chế biến tôm đông lạnh, sản xuất giày dép, túi xách tăng trưởng rõ rệt;

Ngành sản xuất và phân phối điện tiếp tục giữ vai trò chi phối chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 10/2024 so với tháng trước tăng 9,63% và tăng 22,45% so cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 10/2024, toàn tỉnh có 61 doanh nghiệp và 27 đơn vị trực thuộc đăng ký mới với tổng vốn đăng ký là 208 tỷ đồng và 244 lao động.

Bên cạnh đó, có 71 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc bổ sung ngành nghề kinh doanh, bổ sung vốn và các thay đổi khác, vốn bổ sung 220 tỷ đồng và hoạt động trở lại 6 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đã có 13 doanh nghiệp và 6 đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể; 8 doanh nghiệp và 4 đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động.

Tính chung 10 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 454 doanh nghiệp và 256 đơn vị trực thuộc đăng ký mới với tổng vốn đăng ký là 2.282 tỷ đồng và 1.753 lao động.

Đối với hoạt động thương mại, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2024 tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do sản xuất và tiêu dùng đang phục hồi khá tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2024 ước tính đạt 5.290 tỷ đồng, tăng 1,42% so với tháng trước và tăng 11,38% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 10/2024, điểm nổi bật trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được thực hiện với một số hoạt động như: tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL” do Báo Công lý phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức tại Cần Thơ; mời các tỉnh, thành tham gia gian hàng triển lãm du lịch, vận động các doanh nghiệp tham gia gian hàng không gian ẩm thực Nam bộ nhân sự kiện Tuần lễ Văn hóa, Du lịch gắn với Lễ hội OkOmBok tỉnh Trà Vinh năm 2024.

Hoạt động ngân hàng của tỉnh trong tháng 10 với tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến tháng 10/2024 đạt 49.900 tỷ đồng, tăng 0,74% so với tháng trước, tăng 2,77% so với cuối năm 2023.

Tháng 10/2024 dự ước vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện đạt 458,9 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 18,60%, so với cùng kỳ năm trước giảm 1,49%.

Nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh trong tháng 10/2024 tiếp tục phát triển ổn định, cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng tiếp tục phát triển; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát; sản xuất công nghiệp phát triển tích cực; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, giá một số sản phẩm nông sản như: giá bò hơi, cá lóc, cam sành,… không ổn định và thường ở mức thấp gây khó khăn cho đời sống của người nông dân, cùng với đó là các biến động về kinh tế, chính trị thế giới, bão lũ những tháng cuối năm.

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh các ngành, các cấp phải tập trung chỉ đạo, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các nông sản của tỉnh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, du lịch gắn với đảm bảo an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.

Xuân Phương