Tin địa phương

Nghệ An: Nguy cơ chậm giải ngân hỗ trợ trong khắc phục thiên tai

Trần Tú 09/11/2024 - 22:09

Đợt thiên tai năm 2023 trên địa bàn tỉnh Nghệ An ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 667 tỷ đồng. Để khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở, Trung ương hỗ trợ 200 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách. Tuy nhiên, đến nay địa phương này vẫn chưa thể triển khai.

Tháng 12/2023 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1739 về việc hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở. Riêng tỉnh Nghệ An được Trung ương hỗ trợ 200 tỷ đồng.

Sau khi có chủ trương của Chính phủ, vào ngày 7/6/2024 HĐND tỉnh Nghệ An mới chính thức thông qua Nghị quyết số 29 (NQ29) phân bổ dự toán ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở.

a4.jpg
Mưa lũ gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Theo NQ29, phụ lục phân bổ dự toán ngân sách được điều chỉnh, 82,4 tỷ đồng được phân bổ cho các huyện, trong đó huyện Anh Sơn được phân bổ cho 3 dự án với số tiền 4,7 tỷ đồng; huyện Quỳ Châu phân bổ 2 dự án với số tiền 5,8 tỷ đồng; huyện Thanh Chương với số vốn 5,4 tỷ đồng cho 2 dự án… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Nghệ An được bố trí 100 tỷ đồng cho 17 dự án; còn lại phân bổ cho các công ty thủy lợi. Số tiền này dùng để sửa chữa, khắc phục sạt lở các kênh tiêu, thoát lũ... bị ảnh hưởng do bão. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số tiền kể trên vẫn chưa thể giải ngân, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử, cầu Cổ Hòa tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc do ảnh hưởng của đợt lũ lụt năm 2023, mố cầu bị xói, sụt lún, mặt cầu hư hỏng, nguy cơ mất an toàn giao thông, cần sớm khắc phục, sửa chữa.

Tổng kinh phí dự kiến phân bổ 11,5 tỷ đồng, do Sở NNPTNT Nghệ An lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, kể từ khi Thủ tướng có quyết định đến nay đã 10 tháng trôi qua, công trình vẫn chưa thể triển khai.

van-ban-ubnd-tinh-nghe-an20241010111759.jpg
Thông báo của UBND tỉnh Nghệ An về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn

Ông Đồng Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm cho biết: Cầu Cổ Hòa nằm trên tuyến đường dân sinh nối trung tâm xã với các xóm 17, 18, 19 và 20 nên lưu lượng người qua lại rất lớn.

Chính quyền địa phương rất mong các cấp ngành quan tâm sớm làm cầu mới cho người dân đi lại. Điều tương tự cũng đang xảy ra tại cống Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu cũng bị hư hỏng, khẩu độ nhỏ không đảm bảo tiêu thoát lũ.

Công trình cũng được giao cho Sở NNPTNT Nghệ An lập báo cáo kinh tế kỹ thuật để khắc phục, sửa chữa hư hỏng, với kinh phí dự kiến là 4,5 tỷ đồng. Đến nay, công trình vẫn chưa thể triển khai thi công.

Trước thực trạng có tiền nhưng không thể sử dụng, cuối tháng 9/2024 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã họp và có thông báo giải quyết vướng mắc nói trên.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao các địa phương, đơn vị tập trung triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo các vướng mắc về UBND tỉnh để được xử lý, đảm bảo hoàn thành các dự án đúng tiến độ và giải ngân hết số kinh phí được bố trí trước ngày 30/12/2024. Đồng thời, ông Đệ khẳng định, việc triển khai thực hiện vẫn còn lúng túng. Trách nhiệm thuộc về Sở NNPTNT là cơ quan được chủ trì giao thực hiện.

Ông Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An) cho biết: Ngay sau khi được tỉnh giao nhiệm vụ, ban đã triển khai các bước đầu tư theo quy định. Tuy nhiên, do vướng mắc, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật nên chưa thể giải ngân.

Trần Tú