Xử lý vật chứng, tài sản góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng
Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản giới hạn phạm vi vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo không chỉ là đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà còn có thể có cả tội phạm nghiêm trọng, ít nghiêm trọng.
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp 8, sáng 9/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, tố tụng và xét xử một số vụ án hình sự.
Không cần bổ sung các tiêu chí khác
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị quyết xác định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Theo đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, những vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo là những vụ việc, vụ án tham nhũng tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ việc, vụ án tiêu cực khác ngoài tham nhũng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất, đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
"Như vậy, phạm vi vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo không chỉ là đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà còn có thể có cả tội phạm nghiêm trọng, ít nghiêm trọng", đại biểu Lê Tất Hiếu phân tích.
Mặt khác, về nguyên tắc, khi giải quyết tất các các vụ án, vụ việc mà cần xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa mà tuân theo đầy đủ các nguyên tắc và các điều kiện quy định tại Điều 2, Điều 3 của Nghị quyết này thì đều có thể giải quyết được theo nội dung của Nghị quyết.
Do vậy, đại biểu cho rằng, không cần bổ sung các tiêu chí khác, như: tính chất của tội phạm, phạm vi chương, mục cụ thể của Bộ luật Hình sự... vào phạm vi dự thảo Nghị quyết.
Bảo đảm hiệu quả
Các đại biểu tán thành việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.
Theo Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết đã dựa trên kết quả việc tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên phong tỏa trong quá trình tiến hành tố tụng các vụ án hình sự; đồng thời, đã bám sát đúng yêu cầu, quan điểm của Đảng, đó là những vấn đề cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm.
Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để áp dụng, xem xét xử lý sớm vật chứng, tài sản trong vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm hiệu quả, đúng pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, phát sinh vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là hết sức cần thiết.