Tin địa phương

Tiền Giang : Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội

Hà Giang 09/11/2024 - 14:41

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân; tình hình kinh tế - xã hội tháng 10/2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát triển; hoạt động sản xuất kinh doanh, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng hơn so cùng kỳ.

Theo báo cáo của cục thống kê tỉnh Tiền Giang, ước tính từ đầu năm đến tháng 10/2024, toàn tỉnh gieo trồng được 123.254 ha, đạt 108,2% kế hoạch, giảm 6,4% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 684.932 tấn, đạt 97,6% kế hoạch, giảm 5,9%. Diện tích gieo trồng giảm do chuyển đổi sang đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm khác, nuôi trồng thủy sản và đất phi nông nghiệp.

Tình hình dịch bệnh trên gia súc tuy vẫn còn ghi nhận nhưng đã được kiểm soát chặt chẽ, cùng với đó người chăn nuôi tỉnh Tiền Giang linh hoạt áp dụng các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên đàn lợn, gia cầm vẫn duy trì và phát triển tốt.

Sản lượng thủy sản thu hoạch trong tháng 10/2024 ước đạt 25.310 tấn. Tính chung 10 tháng năm 2024 đạt 248.643 tấn, tăng 3,8% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 162.127 tấn, tăng 1,4%; sản lượng khai thác 86.516 tấn, tăng 8,7%.

o5haojm-2780b099-cb0d-4f87-9b85-b14cc8b3935c.png
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng

Trong tháng 10/2024, sản xuất công nghiệp tăng 1,57% so với tháng trước một số ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu của tỉnh có chỉ số tăng như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 10,06%; dệt tăng 10,18%; sản xuất kim loại tăng 1,38%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 3,17%... và tăng 13,7% so cùng kỳ.

Các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh có chỉ số tăng cao so cùng kỳ, như: in, sao chép bản ghi các loại tăng 99,87%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 43,15%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 29,41%; ... ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,79%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,18%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,09%).

Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ số tiêu thụ tăng 25,01% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng so cùng kỳ như sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu, sản xuất sản phẩm cao su và plastic, sản xuất kim loại tăng…

Hiện nay công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch năm 2024 đã và đang thực hiện rất tốt, do UBND tỉnh chủ động quản lý, phân bổ vốn cho các công trình cấp thiết; điều chuyển nguồn từ công trình có khối lượng và giá trị giải ngân thấp sang công trình có khối lượng và giá trị giải ngân cao.

Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng 10 là 516 tỷ đồng, giảm 28% so cùng kỳ. Mười tháng thực hiện 4.234 tỷ đồng, đạt 85,3% kế hoạch, giảm 14,5% so cùng kỳ.

Các ngành các cấp yêu cầu các ban quản lý chủ đầu tư tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án công trình trong những tháng cuối năm 2024, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, các công trình còn lại thi công đúng theo tiến độ đề ra. Đặc biệt, ưu tiên bố trí các dự án khởi công mới thuộc lĩnh vực giao thông, phòng, chống thiên tai, xử lý sạt lở bờ sông, biến đổi khí hậu.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ ổn định, hàng hoá cung ứng cho thị trường dồi dào. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng thực hiện 7.577 tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 10,9% so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, lượng khách du lịch đến trong tháng 10/2024 được 137.362 lượt khách, tăng 5,6% so tháng trước, trong đó khách quốc tế 39.024 lượt khách. Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng đều tăng so với cùng kỳ. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể thao trên địa bàn.

Thu ngân sách trên địa bàn trong tháng thực hiện 1.153 tỷ đồng; đến cuối tháng 10/2024, vốn huy động đạt 104.017 tỷ đồng. Nhìn chung, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn hoạt động ổn định, sát với mục tiêu; giải quyết công ăn việc làm, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng của các thành viên, hạn chế tín dụng đen…, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nhất là tại khu vực nông thôn.

UBND tỉnh Tiền Giang đã triển khai có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, thực hiện tư vấn nghề, việc làm cho lao động; hỗ trợ người nghèo, người có công, chất lượng y tế giáo dục trên địa bàn được nâng cáo. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo. Lĩnh vực môi trường trên địa bàn tỉnh trong tháng không xảy ra vụ vi phạm môi trường nào.

Tình hình thiên tai trong tháng đã xảy ra 1 vụ lốc xoáy làm 4 căn nhà bị tốc mái ở thị xã Cai Lậy và 15 vụ lở đê với tổng chiều dài là 973 mét ở thị xã Cai Lậy, huyện Cái Bè, Châu Thành; giá trị thiệt hại ước tính 37.460 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 97 vụ thiên tai: 01 vụ xâm nhập mặn, tăng 01 vụ so cùng kỳ; 17 vụ lốc xoáy, tăng 1 vụ và 79 vụ sạt lở đê, tăng 44 vụ, không tính vụ xâm nhập mặn thì tổng giá trị thiệt hại ước tính 244.939 triệu đồng, tăng 160.975 triệu đồng.

Hà Giang