Tư vấn pháp luật

Lỗ hổng pháp lý nào khiến hơn 7.500 khách hàng của GFDI Đà Nẵng đứng trước nguy cơ mất trắng?

Trang Trần 09/11/2024 - 14:13

Trong những ngày qua, vụ việc Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI tại Đà Nẵng tuyên bố mất khả năng chi trả cho hơn 7.500 khách hàng với dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng đã gây chấn động dư luận. Để làm rõ khía cạnh pháp lý của vụ việc cũng như quyền lợi mà các khách hàng có thể bảo vệ, PV Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty Luật ATG, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng về những rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong mô hình huy động vốn của GFDI và quyền lợi của các khách hàng trong trường hợp công ty vi phạm pháp luật.

PV: Theo thông tin ban đầu, GFDI đã ký hợp đồng vay tài sản với người dân, huy động vốn và trả lãi suất cao từ 30–50% mỗi năm. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư có thể chia sẻ về những rủi ro của việc tham gia góp vốn tại công ty này?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Đây là một vụ việc đáng báo động, không chỉ do quy mô lớn về số lượng khách hàng và tổng số vốn đã huy động mà còn về phương thức huy động vốn và lãi suất mà GFDI đưa ra. Dưới góc độ pháp lý, việc huy động vốn qua các hợp đồng vay tài sản như vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Pháp luật Việt Nam, cụ thể là Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, quy định lãi suất vay không được vượt quá 20% mỗi năm trừ khi pháp luật có quy định khác. Với mức lãi suất 30-50% như của GFDI, có dấu hiệu vi phạm quy định này.

Ngoài ra, nếu công ty không có hoạt động kinh doanh thực tế mà chỉ vay tiền người sau để trả cho người trước, đây có thể là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tức là, nếu công ty biết rõ mô hình kinh doanh của mình không bền vững và không đủ khả năng chi trả trong dài hạn nhưng vẫn huy động vốn từ người dân, đó là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

PV: Luật sư có thể phân tích cụ thể hơn về cách thức huy động vốn này không? Mô hình của GFDI có điểm gì đáng ngờ từ góc nhìn pháp lý?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Có thể nói, mô hình mà GFDI sử dụng là huy động vốn theo dạng ký kết hợp đồng vay tài sản với lãi suất cao mà về bản chất rất giống mô hình Ponzi. Ponzi là hình thức huy động vốn mà tiền của nhà đầu tư sau được dùng để chi trả cho nhà đầu tư trước, không có nguồn thu bền vững từ hoạt động kinh doanh thực chất. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, một doanh nghiệp có thể kêu gọi đầu tư nhưng phải đảm bảo minh bạch thông tin và có phương án khả thi về mặt tài chính. Trường hợp GFDI huy động vốn với mức lãi suất vượt quá năng lực chi trả của công ty, mô hình này không được xem là đầu tư an toàn mà tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi có dấu hiệu lạm dụng niềm tin của người dân.

9-11-pv-ls-tuan.jpg
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty Luật ATG, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng

PV: Vậy Luật sư cho biết lỗ hổng pháp lý nào khiến 7.500 khách hàng của GFDI Đà Nẵng đứng trước nguy cơ mất trắng?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Có nhiều lỗ hổng pháp lý trong quản lý và giám sát các công ty huy động vốn dẫn đến việc hơn 7.500 khách hàng của GFDI Đà Nẵng có nguy cơ mất trắng. Một số vấn đề đáng nói đến ở đây đó là thiếu quy định chặt chẽ về huy động vốn cá nhân: Mặc dù pháp luật Việt Nam có quy định về việc huy động vốn và lãi suất tối đa (Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất cho vay không quá 20%/năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) nhưng một số công ty vẫn lách luật bằng cách sử dụng "hợp đồng vay tài sản" như một hình thức huy động vốn. Điều này gây khó khăn trong việc kiểm soát các công ty đưa ra lãi suất bất thường.

Thiếu giám sát về tính hợp pháp của các mô hình kinh doanh tài chính: Các công ty có thể đăng ký kinh doanh dưới dạng tư vấn đầu tư nhưng lại thực hiện hoạt động huy động vốn với cam kết lãi suất cao mà không có sự kiểm soát từ cơ quan chức năng. Điều này có thể dẫn đến các mô hình huy động kiểu Ponzi lấy tiền của nhà đầu tư sau để trả cho nhà đầu tư trước nhưng chỉ được phát hiện khi công ty mất khả năng chi trả.

Lỗ hổng trong công tác kiểm tra tài chính và năng lực của công ty: Việc xác minh năng lực tài chính thực sự của các công ty tư vấn đầu tư trước khi cấp phép còn chưa chặt chẽ. Trường hợp GFDI huy động hàng ngàn tỷ đồng nhưng không đủ năng lực tài chính để chi trả khi cần thiết cho thấy công tác kiểm tra tài chính chưa đạt hiệu quả, đặt các nhà đầu tư cá nhân trước nhiều rủi ro.

Thiếu cơ chế bảo vệ và cảnh báo cho nhà đầu tư cá nhân: Pháp luật hiện chưa có cơ chế cảnh báo đầy đủ cho các nhà đầu tư cá nhân về rủi ro khi tham gia vào các công ty tư vấn tài chính và đầu tư không có uy tín. Điều này khiến nhiều người, đặc biệt là người dân không chuyên, dễ dàng rơi vào bẫy đầu tư với lãi suất hấp dẫn nhưng đầy rủi ro.

Khung xử lý hành vi lừa đảo tài chính chưa đủ mạnh: Mặc dù Bộ luật Hình sự có quy định xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), nhưng quy trình xử lý, điều tra và hoàn trả tài sản còn mất nhiều thời gian và không đảm bảo khả năng thu hồi tiền đã mất. Điều này khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi nếu công ty không có tài sản đảm bảo. Các lỗ hổng pháp lý này tạo điều kiện cho các công ty như GFDI lợi dụng, triển khai các mô hình kinh doanh không bền vững và khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân phải đối mặt với nguy cơ mất toàn bộ số vốn góp.

PV: Trong tình huống này, quyền lợi của khách hàng đã ký hợp đồng vay tài sản với GFDI sẽ được bảo vệ ra sao, thưa Luật sư?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Khách hàng của GFDI có quyền yêu cầu công ty hoàn trả lại số tiền đã góp vốn, dựa trên các hợp đồng vay tài sản đã ký. Nếu GFDI mất khả năng chi trả, khách hàng có thể yêu cầu tòa án hoặc cơ quan chức năng giải quyết quyền lợi của mình theo trình tự luật định. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra đã vào cuộc, cho thấy có dấu hiệu của tội phạm kinh tế, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều này cho phép các cơ quan chức năng có thể tiến hành các biện pháp tạm giữ tài sản của GFDI, đồng thời xác minh các giao dịch tài chính để thu hồi tài sản, bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ, bao gồm khách hàng.

Nếu hành vi của GFDI được xác định là vi phạm pháp luật hình sự, các cá nhân liên quan có thể bị truy tố theo Điều 174 Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quyền lợi của khách hàng lúc này sẽ được bảo vệ theo hướng thu hồi tài sản và phân chia sau khi xử lý các nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, điều này cũng tùy thuộc vào khả năng thu hồi tài sản và tài sản hiện có của GFDI.

PV: Luật sư có thể cho biết, nếu có kết luận là GFDI đã lừa đảo, khách hàng sẽ được ưu tiên như thế nào trong việc nhận lại tài sản đã đầu tư?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Trong trường hợp GFDI bị kết luận là lừa đảo, các khách hàng được xem là chủ nợ sẽ được quyền yêu cầu hoàn trả tiền đã đầu tư. Theo quy trình xử lý tài sản của pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật, tòa án có thể ra phán quyết kê biên, xử lý tài sản của công ty để trả nợ cho các chủ nợ. Tuy nhiên, trong thực tế, tài sản thu hồi có thể không đủ để chi trả toàn bộ các khoản nợ. Điều này phụ thuộc vào tình hình tài sản thực tế của GFDI và các khoản nghĩa vụ tài chính khác mà công ty phải thực hiện.

PV: Đối với người dân, đặc biệt là những người không có nhiều kinh nghiệm về đầu tư, Luật sư có lời khuyên nào khi tham gia vào các hoạt động góp vốn như vậy không?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Đầu tư luôn tiềm ẩn rủi ro và đòi hỏi nhà đầu tư có hiểu biết nhất định về lĩnh vực mình tham gia. Đặc biệt, đối với những người dân chưa có nhiều kinh nghiệm, việc tham gia góp vốn vào các công ty hứa hẹn lợi nhuận cao vượt trội thường chứa đựng nhiều nguy cơ. Những mức lãi suất hứa hẹn cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng, như 30-50%/năm mà không rõ nguồn lợi nhuận chính từ đâu, cần được xem xét kỹ lưỡng vì chúng có thể là dấu hiệu của mô hình lừa đảo tài chính hoặc mô hình Ponzi.

Người dân nên tìm hiểu kỹ về hồ sơ pháp lý của công ty, bao gồm giấy phép hoạt động, thời gian hoạt động và các dự án cụ thể mà công ty cam kết đầu tư để xem xét tính minh bạch, khả thi. Việc công ty có một lịch sử hoạt động đáng tin cậy, minh bạch về tài chính và có khả năng sinh lời thực sự là những điểm rất quan trọng mà nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi quyết định góp vốn.

Nếu trong quá trình tìm hiểu mà thấy có bất kỳ dấu hiệu đáng ngờ nào, chẳng hạn như thông tin mập mờ về dự án, cách thức trả lãi không rõ ràng, hoặc các điều khoản pháp lý không cụ thể thì người dân nên cẩn trọng và tìm kiếm tư vấn từ các chuyên gia pháp lý hoặc tài chính trước khi quyết định. Đây là những bước giúp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo rằng nhà đầu tư không bị lôi kéo vào những mô hình lừa đảo hay những công ty không có khả năng chi trả về lâu dài.

PV: Xin cảm ơn Luật sư.

Trang Trần