Giá vàng như "đi tàu lượn", quản lý thế nào?
Sự linh hoạt của cơ quan quản lý và chiến lược đầu tư hợp lý là chìa khóa để đối phó với thị trường vàng trong giai đoạn nhiều biến động này.
Sáng mua vào - chiều bán ra
Những ngày gần đây, thị trường chứng kiến "cơn điên" của giá vàng. Có phiên giao dịch, sau khi "leo thang" lên mức giá kỷ lục vào buổi sáng thì giá vàng bắt đầu "đổ đèo" vào buổi chiều, có thời điểm giá vàng nhẫn giảm đến 6 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, chênh lệch mua - bán bị nới rộng lên tới 3-5 triệu đồng/lượng. Thậm chí có cửa hàng chênh lệch lên tới 7 triệu đồng/lượng.
Giữa lúc giá vàng biến động mạnh, nhiều người sáng mua vào, chiều đã "nháo nhào" đi bán tháo nhằm chốt lời.
Tình trạng bán tháo ồ ạt với số lượng lớn khiến nhiều cửa hàng kinh doanh vàng phải tạm ngừng mua vào, nhiều người phải mang vàng về.
Những ngày trước, khi giá vàng tăng lên mức 89 - 90 triệu đồng/lượng thì nhiều cửa hàng báo hết hàng, chỉ bán ra nhỏ giọt. Để mua được vàng, nhiều người phải "ăn chực nằm chờ" ở phố vàng nhưng mỗi ngày chỉ mua được vài chỉ, thậm chí có ngày cửa hàng chỉ bán cho mỗi người nửa chỉ.
Thế nhưng, tại phiên giảm tới 6 triệu đồng/lượng, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng mở bán vàng nhẫn không giới hạn nhưng lại tạm dừng mua vào.
Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, biến động giá vàng trong nước cơ bản phụ thuộc vào diễn biến của giá vàng thế giới và quan hệ cung-cầu trên thị trường.
Về phía cung, từ năm 2014 đến năm 2023, NHNN không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường.
Tuy nhiên, từ tháng 4/2024 đến nay, trước xu hướng tăng mạnh của giá vàng thế giới, dư luận quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, NHNN thực hiện can thiệp thị trường vàng qua đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường, hạn chế tác động đến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối.
Về phía cầu, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, cùng những khó khăn của các kênh đầu tư khác (bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp…) khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, qua theo dõi của các đơn vị trong hệ thống phản ánh nhu cầu mua vàng chủ yếu tập trung tại 2 địa bàn lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và có yếu tố tâm lý, kỳ vọng.
"Không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan của pháp luật về thuế, cạnh tranh… đã dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước (đặc biệt là vàng SJC) và thế giới", Thống đốc nêu.
Sẽ can thiệp thị trường vàng nếu cần thiết
Để bình ổn giá vàng và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, thời gian qua NHNN đã triển khai các phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC với nguyên tắc tương tự như các phiên đấu thầu bán vàng miếng đã thực hiện trong năm 2013. Đồng thời, NHNN chuyển sang phương thức bán vàng miếng với khối lượng phù hợp.
Kể từ khi chính thức thông báo thực hiện phương án bán vàng miếng trực tiếp, chênh lệch giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm, hiện chỉ còn chênh khoảng 3-5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới (khoảng 5%-7%).
"Đấu thầu vàng miếng, bán vàng miếng trực tiếp là các biện pháp can thiệp, bình ổn thị trường được NHNN thực hiện trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành", Thống đốc nêu.
Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối; chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành VND để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Do đó, theo Thống đốc, trên cơ sở tình hình can thiệp thời gian qua, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, NHNN cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.
Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, việc quản lý thị trường cần có sự linh hoạt và nhạy bén với tình hình quốc tế, nhằm đảm bảo thị trường vàng trong nước không bị ảnh hưởng quá lớn bởi các yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, các biện pháp giám sát cũng cần thắt chặt để ngăn chặn đầu cơ và bảo vệ quyền lợi cho người dân, tránh tình trạng một bộ phận tích trữ vàng để đẩy giá và hưởng lợi.
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cần đổi mới tư duy trong quản lý thị trường vàng, chuyển từ quản lý bằng biện pháp hành chính sang những cơ chế, chính sách mang tính kinh tế hơn.
Đồng thời cần mở cửa thị trường vàng như bỏ quy định độc quyền nhập khẩu vàng, tăng đầu mối được quyền nhập khẩu vàng với cơ chế quản lý, kiểm soát phù hợp. Các cơ quan cũng cần khẩn trương thành lập sàn giao dịch vàng với tiêu chuẩn phù hợp tập quán quốc tế về tiêu chuẩn chất lượng, cũng như xây dựng bộ máy quản lý sàn giao dịch hợp lý.
Ngoài ra nên tăng cường tính minh bạch thị trường vàng để điều tiết hiệu quả chênh lệch giá, đẩy mạnh công tác tuyền truyền về vàng không phải là hàng hóa thiết yếu, mang tính rủi ro đầu tư cao, từ đó giúp giảm tình trạng đổ xô đầu cơ vàng.
Các ngân hàng nên điều tiết lãi suất huy động, cũng như phát triển các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu, chứng khoán, hoặc hướng dòng tiền đầu tư vào khởi nghiệp, phát triển kinh doanh…
Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh công tác chống buôn lậu vàng, để góp phần tăng tính liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, giảm tình trạng đầu cơ, trục lợi, tăng giá không phù hợp.
Các doanh nghiệp có khả năng sản xuất vàng cần tăng cường năng lực cung ứng vàng ra thị trường để tăng tính chủ động, hoạt động theo đúng các quy định pháp luật, mua bán sử dụng hoá đơn chứng từ đầy đủ... để khuyến khích thị trường vàng phát triển lành mạnh.