Dành nhiều nguồn lực phòng, chống ma túy
Chính phủ dành hơn 22 nghìn tỉ đồng đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Đối tượng thụ hưởng gồm: Người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp 8, sáng 8/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Dành hơn 22 nghìn tỉ đồng thực hiện Chương trình
Trình bày tờ trình Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước với thời gian thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2030.
Cụ thể, năm 2025: Thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình. Giai đoạn 2026-2030, triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030.
Tổng vốn thực hiện Chương trình là 22.450,194 tỷ đồng. Vốn ngân sách Trung ương là 17.725,657 tỷ đồng, chiếm 78,96%, gồm: Vốn đầu tư phát triển 9.827 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 7.898,657 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương là 4.674,537 tỷ đồng, chiếm 20,82%, gồm: Vốn đầu tư phát triển 2.451 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 2.223,537 tỷ đồng. Vốn huy động hợp pháp khác, dự kiến 50 tỷ đồng (chiếm 0,22%).
Đối tượng thụ hưởng gồm: Người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc các cơ quan: chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy; điều trị nghiện ma túy và tham mưu, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Cộng đồng người dân Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan cũng thuộc đối tượng thụ hưởng của Chương trình.
Đánh giá hiệu quả đối với việc giảm tệ nạn xã hội
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát quy định mục tiêu tổng quát để bảo đảm tính bao quát, toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy, làm cơ sở để quy định các mục tiêu cụ thể. Bảo đảm các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra có tính khả thi, hiệu quả, không trùng lặp. Tiếp tục đánh giá rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu sát với nhiệm vụ trọng tâm và khả năng đáp ứng của nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án.
Đặc biệt, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá sâu sắc, toàn diện, làm nổi bật hiệu quả đối với việc giảm tệ nạn xã hội, nhất là đối với thanh thiếu niên; tăng cường sức khỏe, hiệu quả giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, tính bền vững của Chương trình.
Về dự kiến nguồn vốn thực hiện Chương trình, Ủy ban Xã hội thấy rằng, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến là 22.450,194 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương tối thiểu là 17.725,657 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 4.674,537 tỷ đồng và khoảng 50 tỷ đồng vốn huy động hợp pháp khác "là ít hơn nhiều so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, song trong bối cảnh chi đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ rất lớn thì việc dự kiến bố trí nguồn vốn như vậy là phù hợp".
Ủy ban Xã hội cũng lưu ý Chính phủ có phương án bố trí vốn, tập trung đầu tư vốn, tránh dàn trải, lãng phí, có kế hoạch phân kỳ đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp theo thứ tự ưu tiên cho những địa bàn khó khăn, trọng điểm.