Bão số 2 di chuyển nhanh, tiến thẳng bờ biển Thanh Hoá - Hà Tĩnh

Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 16/07/2017

Bão số 2 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ nhanh 15-20km/h và tiến thẳng vào bờ biển các tỉnh Thanh Hoá đến Hà Tĩnh, cường độ gió cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, hồi 04 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão nằm ngay trên vùng biển phía Nam Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10-11.

Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 16 giờ ngày 16/7, vị trí tâm  bão cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 240km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10-11.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, duy trì cấp bão với gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 10-11 khi đi vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Đến 04 giờ ngày 17/7, vị trí tâm  bão nằm trên vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió bão mạnh từ cấp 6 trở lên): vĩ tuyến 16,5 đến 20,00N; phía Tây kinh tuyến 111,50E.

Bão số 2 di chuyển nhanh, tiến thẳng bờ biển Thanh Hoá - Hà Tĩnh

Đường đi của bão số 2 sáng 16/7. Ảnh: NCHMF

Do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; sóng biển cao từ 3-5m; Biển động rất mạnh.

Từ tối và đêm nay (16/7), trên vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 7-9, giật cấp 10-11; ven biển các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10; ở các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình và sâu trong đất liền khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6-8.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, sau suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và đến 04 giờ ngày 18/7 là vùng áp thấp trên phía Tây Bắc nước Lào.

Trong sáng 17/7, vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục có gió bão mạnh cấp 7-9, giật cấp 10-11; ven biển các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10; ở các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình và sâu trong đất liền khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6-8.

Từ ngày 16/7 đến ngày 18/7 ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An 250-350mm; các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Hà Tĩnh 150-250mm; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên 100-200mm; các khu vực khác của Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình-Thừa Thiên Huế 50-150mm.

Chiều 15/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn gửi công điện khẩn đến các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các tỉnh khu vực Bắc bộ và Trung bộ, yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 2, chủ động có phương án ứng phó; riêng các tỉnh Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, mọi công việc ứng phó với cơn bão phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 16/7.

Trước đó, sáng 15/7, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) yêu cầu các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão phải hoàn thành công việc chuẩn bị ứng phó trong ngày 16/7 và chủ động ra lệnh cấm biển không cho tàu, thuyền ra khơi.

Những tỉnh đã được dự báo sẽ có mưa lớn rà soát toàn bộ công trình hồ đập, đánh giá khả năng tích nước, đảm bảo an toàn cho công trình, riêng khu vực đồng bằng Bắc bộ chủ động rút nước đệm, sẵn sàng ứng phó với mưa lớn và khả năng hồ chứa ở Sơn La, Hòa Bình phải xả lũ.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng huy động 289.223 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ với trên 86.319 phương tiện, thiết bị tham gia công tác phòng chống bão số 2, sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu nạn. Trong đó, có 6 máy bay của Quân chủng Phòng không - Không quân; 6 tàu của Quân chủng Hải quân; 4 tàu của Cảnh sát biển và 58 tàu của Bộ đội biên phòng cùng hàng trăm xe lội nước, xe đặc chủng của các quân khu 1, 2, 3, 4, 5 ứng trực sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh.

Từ ngày 17-19/7, một đợt lũ sẽ xuất hiện trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình với biên độ lũ lên từ 2-3m, trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh biên độ lũ lên từ 4-6m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái ở mức BĐ2, tại Phú Thọ ở mức BĐ1; trên sông Lô tại Tuyên Quang, sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Hoàng Long tại Bến Đế ở mức BĐ1; trên sông Hiếu (Nghệ An), sông Bưởi và thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) ở mức BĐ1 và trên BĐ1; trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) ở mức BĐ1-BĐ2; hạ lưu sông Mã và sông Cả còn dưới mức BĐ1.

Lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, đặc biệt một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Ngập úng tại các khu đô thị, các thành phố lớn có nguy cơ xuất hiện như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh.

Trong ngày và đêm nay, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động.

Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, gió mạnh ở vùng biển phía Nam cấp 1-2.

Duy Uyên