Trung Quốc tiết lộ hệ thống phòng thủ tên lửa mới với tầm bắn đáng kinh ngạc
Hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-19 của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vừa chính thức giới thiệu bệ phóng tên lửa tại Triển lãm Hàng không Chu Hải.
Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lần đầu tiên giới thiệu bệ phóng của hệ thống tên lửa chống đạn đạo HQ-19 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải, một động thái nhằm tăng cường lớp phòng thủ cao nhất cho mạng lưới tên lửa phòng không của nước này, bổ sung cho các hệ thống hiện có như HQ-9 và HQ-22.
Hệ thống HQ-19 có nhiều điểm tương đồng với hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD của Mỹ và hệ thống AEGIS khi được tích hợp tên lửa SM-3 trên các tàu chiến, với nhiệm vụ đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa trong giai đoạn bay giữa, ở độ cao ngoài khí quyển.
HQ-19 được thiết kế với các phương tiện tiêu diệt tầm trung đến giai đoạn cuối, sử dụng điều khiển lực đẩy để cơ động ở tốc độ cao tại độ cao lớn, nơi điều khiển khí động học trở nên khó khăn.
Khác với các loại tên lửa sử dụng đầu đạn nổ, HQ-19 sử dụng đầu đạn động năng, tiêu diệt mục tiêu bằng cách va chạm trực tiếp, đòi hỏi độ chính xác cao.
Đặc biệt, HQ-19 sử dụng hệ thống phóng nguội với góc nghiêng cao nhằm giảm tải trọng lên bệ phóng, giúp gia tăng tuổi thọ và độ ổn định của thiết bị.
Một trong những tính năng đáng chú ý nhất của HQ-19 là tầm bắn lên đến 3.000 km, cho phép đánh chặn các tên lửa tầm xa khi chúng tiếp cận từ khoảng cách xa rất xa mà không cần bệ phóng phải rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc.
Hiện nay, các đối thủ tiềm năng của Trung Quốc mới chỉ triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa với số lượng hạn chế, nhưng trong tương lai, HQ-19 có thể đóng vai trò quan trọng hơn khi các quốc gia phương Tây và đồng minh của họ tiếp tục phát triển các lớp tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới, lĩnh vực mà Trung Quốc hiện đang có lợi thế lớn.
Việc PLA phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa ngoài khí quyển trên mặt đất có thể là bước đệm để trong tương lai, Trung Quốc tích hợp phiên bản của hệ thống này lên các tàu khu trục của hải quân.
Điều này sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng khả năng phòng thủ tên lửa ở các vùng biển xa, tương tự như năng lực mà hệ thống SM-3 đang mang lại cho hải quân Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời tăng cường vị thế chiến lược của Trung Quốc trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa.