Đề xuất bị can “đặt cọc” tiền để tại ngoại: Cần thiết cho nền tố tụng hình sự Việt Nam
Đời sống - Ngày đăng : 13:37, 13/07/2017
Người bị bắt được nộp 30 - 200 triệu đồng để tại ngoại
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSNDTC và TANDTC vừa xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015.
Theo nội dung dự thảo, người bị bắt có thể đặt tiền bảo đảm để không bị tạm giam. Tùy tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo mà Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền bảo đảm để được ra ngoài.
Người bị bắt được nộp 30 - 200 triệu đồng để tại ngoại
Số tiền đặt để bảo đảm căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân bị can, bị cáo và khả năng tài chính của họ, đặc biệt là những người dưới 18 tuổi hoặc có nhược điểm về tâm thần, thể chất.
Với tội phạm ít nghiêm trọng, số tiền phải đặt là 30 triệu đồng; tội phạm nghiêm trọng là 100 triệu đồng; tội phạm rất nghiêm trọng mức đặt là 200 triệu đồng.
Mức tiền này có thể giảm nếu bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, người dưới 18 tuổi, tâm thần, người đủ 70 tuổi trở lên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi...
Điều kiện để được đặt tiền bảo đảm là bị can, bị cáo phải cam đoan có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội. Nếu thực hiện không đúng cam đoan họ sẽ bị tạm giam. Số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.
Thời hạn đặt tiền không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử. Bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì VKS, Tòa án có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã đặt.
Dự thảo cũng nêu rõ các trường hợp không áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, gồm: bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phạm về ma túy, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản…
Đảm bảo quyền con người, quyền tự do thân thể của công dân
Chia sẻ với Báo Công lý, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, dự thảo Thông tư trên đề xuất về phương án cho phép bị can, bị cáo đặt tiền để không bị tạm giam là một quy định tiến bộ, văn minh và phù hợp với thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay cũng như xu hướng quốc tế. Việc áp dụng biện pháp này là rất cần thiết, đảm bảo quyền con người và hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thương, thiệt hại cho người chưa bị kết án.
Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường
“Trong thực tế hiện nay việc tạm giam ở nhiều nơi vẫn còn rất tùy tiện. Bởi Điều tra viên rất muốn áp dụng biện pháp tạm giam để thuận tiện cho việc điều tra. Có nhiều trường hợp áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can là không cần thiết nhưng cơ quan tố tụng vẫn áp dụng, hoặc có trường hợp bị can đã bị tạm giam rất lâu, quá thời gian BLTTHS quy định, việc điều tra đã kết thúc nhưng không được đưa ra xét xử. Điều này đang xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của bị can”, ông Cường nêu vấn đề.
Theo dự thảo Thông tư mới ở trên thì căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo mà CQĐT, VKS, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo lĩnh tại ngoại.
Ngoài ra Thông tư cũng nêu rõ những trường hợp cụ thể được giảm tiền đặt cọc và các trường hợp không được đặt tiền bảo lĩnh tại ngoại là khá phù hợp. Việc thu hẹp phạm vi các đối tượng có thể đặt tiền, tài sản bảo đảm nêu trên đã hạn chế rất nhiều đến biện pháp bảo đảm mang tính nhân đạo và tôn trọng quyền con người nhằm thay thế biện pháp tạm giam có chiều hướng đang bị lạm dụng hiện nay.
“Việc ban hành Thông tư này có ý nghĩa rất tích cực, đảm bảo quyền con người, đảm bảo hơn nữa quyền tự do thân thể của công dân, tuân thủ nguyên tắc nhân đạo XHCN theo quy định của pháp luật và có thể giảm bớt các trường hợp tiêu cực trong tố tụng hình sự khi thay đổi biện pháp ngăn chặn”, Luật sư Cường nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Trần Anh Dũng (Giám đốc Công ty Luật Đại Phúc) cho biết, biện pháp đặt tiền để tại ngoại đã được quy định cách đây 20 năm tại BLTTHS năm 1988 và đã được hoàn thiện hơn tại BLTTHS năm 2003, nhưng vẫn chưa áp dụng trên thực tế do thiếu các quy định cụ thể. “Nếu biện pháp ngăn chặn này được áp dụng rộng rãi thì sẽ rất tốt cho cả bị cáo lẫn các cơ quan tiến hành tố tụng”, Luật sư Dũng khẳng định.
Khắc phục được tiêu cực
Các chuyên gia pháp luật cho biết, dự thảo Thông tư liên tịch đã đưa biện pháp đặt cọc bảo lĩnh trên là biện pháp tốt, văn minh, phù hợp xu thế thế giới, cần thiết cho nền tố tụng hình sự Việt Nam và nên sớm triển khai.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng đặt cọc bằng tiền để bảo lĩnh tại ngoại là chế định văn minh phù hợp với xu hướng quốc tế, đặc biệt đối với một số vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố. Nó khắc phục được tiêu cực trong việc cho tại ngoại cảm tính.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn
Đánh giá về tính nhân văn của Dự thảo Thông tư liên tịch, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết trên thế giới, những quốc gia có nền kinh tế phát triển, ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý của công dân ở mức độ cao thì biện pháp đặt cọc bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được áp dụng phổ biến và được coi là một biện pháp ngăn chặn văn minh.
Nếu Thông tư nêu trên được ban hành với những quy định đầy đủ, chặt chẽ, hợp lý, khách quan, công bằng thì sẽ nhận được sự ủng hộ của nhân dân và khi áp dụng vào thực tiễn sẽ đem lại hiệu quả cao. Do đó, việc quy định một số trường hợp phải bắt buộc áp dụng biện pháp đặt tiền thay thế biện pháp tạm giam là cần thiết.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ, biện pháp này chỉ nên áp dụng với một số loại tội phạm nhất định, trong những thời điểm và hoàn cảnh nhất định và đặc biệt khi áp dụng thì cần phải xem xét kỹ lưỡng để tránh trường hợp người phạm tội lợi dụng nó để bỏ trốn hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm trong khi được tại ngoại.
“Nếu áp dụng chế định này cũng sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho CQĐT vì việc tại ngoại phải không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, tránh việc thông cung làm sai lệch hồ sơ vụ án. Do đó, việc tại ngoại trong giai đoạn điều tra cần có quy định riêng, chặt chẽ hơn vừa tạo điều kiện cho CQĐT, vừa ngăn chặn việc lạm quyền hay áp dụng cảm tính”, Luật sư Tuấn cho biết.
Theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, việc đặt tiền để không bị tạm giam không phải là điều kiện thuận lợi đặc biệt để nảy sinh những tiêu cực trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Nếu có tiêu cực thì dù bị can, bị cáo có bị giam giữ vẫn thực hiện được thông qua những người khác, và thực tế rất ít khi bị can, bị cáo trực tiếp làm việc này.