Đề nghị làm rõ về mục đích kiểm toán theo diện rộng
Thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính- ngân sách, Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ về mục đích kiểm toán theo diện rộng và xác định rõ phạm vi, đối tượng kiểm toán theo ngành, lĩnh vực để bảo đảm tương đồng với các quy định khác...
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, sáng 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Giám sát việc tuân thủ chuẩn mực kiểm toán
Góp ý việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập, Đại biểu Đỗ Thị Lan- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị không quy định cụ thể mức phạt tiền vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán tại dự thảo Luật mà nên giao Chính phủ quy định để bảo đảm tính ổn định của luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong xây dựng pháp luật hiện nay và linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi về quy mô, tính chất, mức độ vi phạm trong hoạt động kiểm toán độc lập ở từng thời kỳ.
Về khung mức phạt mới chỉ quy định tối đa nhưng không quy định tối thiểu, do đó, khung mức hình phạt rất rộng, đại biểu Lan đề nghị Chính phủ quy định về khung mức phạt đối với từng hành vi vi phạm để bảo đảm tính phù hợp.
Về nghĩa vụ của kiểm toán viên, Đại biểu Thái Thị An Chung- Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị bổ sung theo hướng giao trách nhiệm cho tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán trong việc phối hợp kiểm tra, giám sát việc tuân thủ chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
Quy định này cũng tương tự như đối với luật sư, công chứng viên và tổ chức nghề nghiệp của luật sư, công chứng viên mà Quốc hội đã ban hành.
Mở rộng đối tượng cần kiểm toán
Về mở rộng đối tượng kiểm toán, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ, qua rà soát nghị định hướng dẫn của Chính phủ cho thấy 2 tiêu chí được xác định là: số lượng lao động tham gia bình quân trên 200 người và tổng doanh thu của năm từ 300 tỷ đồng trở lên hoặc tổng tài sản trên 100 tỷ đồng.
Theo tính toán sơ bộ, nếu áp dụng theo hai tiêu chí trên thì có khoảng 20.000 doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm toán bổ sung và con số này là tương đối lớn. Do đó, cần làm rõ mục đích kiểm toán theo diện rộng này là gì? Báo cáo đánh giá tác động nêu lý do là thời gian qua có một số doanh nghiệp tư nhân có sai phạm dẫn đến kiểm toán theo diện rộng như trên liệu đã thỏa đáng?
Đại biểu cho rằng, việc kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm của doanh nghiệp sẽ gây tốn kém chi phí và nguồn lực lớn cho xã hội. Hằng năm doanh nghiệp đều phải thực hiện hồ sơ kiểm toán có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, các đơn vị được kiểm toán theo quy định tại Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập hiện hành đang quy định theo lĩnh vực và ngành hoạt động, nếu bổ sung đối tượng kiểm toán theo quy mô sẽ dẫn đến tình trạng không thống nhất đối với các đối tượng kiểm toán trong cùng một điều luật. "Do vậy, cần xác định rõ phạm vi, đối tượng kiểm toán theo ngành, lĩnh vực để bảo đảm tương đồng với các quy định tại Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập hiện hành".