Tòa án

Nâng cao chất lượng xét xử trong bối cảnh chuyển đổi số - Bài 1: Hiện trạng và thách thức của Tòa án

Trang Trần 07/11/2024 - 11:59

Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trong hệ thống tư pháp, đòi hỏi các Tòa án nhanh chóng chủ động thích ứng để tăng cường hiệu quả, minh bạch và phục vụ người dân tốt hơn.

Tại TP. Đà Nẵng, quá trình số hóa công tác xét xử đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đã đạt được, Tòa án cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cần vượt qua để xây dựng một hệ thống tư pháp hiện đại, trong đó Toà án điện tử là trung tâm, đích đến cần đạt được.

Chuyển đổi số mở ra những cơ hội mới

Trước hết phải nói rằng, chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới. Trong đó có hiện thực hóa cam kết của TANDTC Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử).

Chuyển đổi số giúp các Tòa án nâng cao hiệu quả, minh bạch hóa quá trình xét xử và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý nhanh chóng hơn. Ở TP. Đà Nẵng – nơi có vị thế đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà nước, quá trình chuyển đổi số tại TAND cấp cao tại Đà Nẵng, TAND hai cấp thành phố đã có những bước tiến nhất định. Tuy nhiên, cũng đối mặt với không ít thách thức phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ và chiến lược lâu dài để xây dựng một hệ thống tư pháp hiện đại, vững mạnh.

Để thực hiện các định hướng chiến lược xây dựng Tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời đại số, trong thời gian qua, hệ thống Tòa án đã thực hiện hàng loạt các chương trình chuyển đổi số được triển khai như việc công khai các bản án trên cổng thông tin điện tử, xét xử trực tuyến, phần mềm “Trợ lý ảo”, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

7-11-chuyendoiso-11.jpg
Xét xử trực tuyến là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số.

Tại TP. Đà Nẵng, các đơn vị Tòa án, bao gồm TAND cấp cao tại Đà Nẵng và TAND hai cấp TP. Đà Nẵng đã tích cực triển khai nhiệm vụ giải quyết, xét xử các loại án theo chỉ tiêu và yêu cầu do Quốc hội cùng TANDTC đề ra, cùng với các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động của hệ thống Tòa án.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công tác chuyển đổi số đã được chú trọng với các yêu cầu nổi bật như 100% các chức danh tư pháp đều phải tương tác với Trợ lý ảo, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả và tính chính xác trong xử lý công việc. Công khai bản án đã có hiệu lực pháp luật lên hệ thống, đảm bảo tính minh bạch và giúp người dân dễ dàng tra cứu.

Tổ chức các phiên tòa trực tuyến, kết hợp với các phiên tòa rút kinh nghiệm. Các phiên tòa rút kinh nghiệm được kết nối với Tòa án các cấp giúp mở rộng phạm vi tiếp cận và nâng cao chất lượng xét xử. Ứng dụng đồng bộ 12 phần mềm trong hệ thống Tòa án, góp phần tối ưu hóa quy trình làm việc và cải thiện năng suất của đội ngũ cán bộ tư pháp. Những nỗ lực này đã góp phần quan trọng trong việc hiện đại hóa hoạt động của Tòa án tại Đà Nẵng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về cải cách tư pháp trong thời đại số hóa.

Các Tòa án tại Đà Nẵng đã tiến hành áp dụng một số công nghệ vào công tác xét xử, từng bước xây dựng một hệ thống hoạt động thông minh và giảm thiểu thủ tục hành chính. Đáng chú ý, các công nghệ như hệ thống quản lý hồ sơ điện tử, cơ sở dữ liệu tập trung và hệ thống truyền thông trực tuyến đã tạo nền tảng cho một mô hình xét xử hiện đại hơn.

TAND TP. Đà Nẵng đã tiên phong triển khai hệ thống quản lý hồ sơ điện tử, giúp giảm thiểu đáng kể việc sử dụng giấy tờ, tăng tốc độ tra cứu và xử lý hồ sơ, đồng thời nâng cao tính bảo mật trong việc quản lý tài liệu. Thay vì phải tìm kiếm hồ sơ trong chồng tài liệu đồ sộ, giờ đây các cán bộ có thể truy xuất thông tin chỉ trong vài giây, nhờ vào cơ sở dữ liệu tập trung và hệ thống lưu trữ điện tử.

Xét xử trực tuyến là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Các phiên tòa trực tuyến đã giúp giảm bớt việc đi lại, tiết kiệm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia phiên toà từ xa. Tại Đà Nẵng, mô hình này đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng xét xử các vụ án bằng hình thức trực tuyến, là mô hình thực tế để kiểm chứng hiệu quả, hiệu lực Nghị quyết 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Cụ thể, các đơn vị Tòa án tại Đà Nẵng đã tổ chức triển khai nghiêm Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2022, TANDCC tại Đà Nẵng, TAND hai cấp TP. Đà Nẵng đã chủ động rà soát, lựa chọn những vụ án đáp ứng đủ điều kiện và phối hợp với các TAND cấp tỉnh; các đơn vị liên quan đáp ứng điều kiện kỹ thuật để đưa ra xét xử bằng hình thức trực tuyến. Trong 3 năm (2022-2024), TAND TP. Đà Nẵng đã tổ chức 341 phiên tòa trực tuyến.

Đặc biệt, TANDCC tại Đà Nẵng là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước trong việc tổ chức xét xử trực tuyến. Trong đó, năm 2024 đã tổ chức được 615 phiên tòa trực tuyến, năm 2023 tổ chức được 603 phiên tòa trực tuyến và năm 2022 là 150 phiên tòa trực tuyến các loại án. Tuy nhiên, công tác này cũng gặp một số hạn chế như hạ tầng mạng, thiết bị của các bên liên quan và khả năng đáp ứng công nghệ từ phía các đơn vị Tòa án.

Khi chuyển đổi số, bảo mật thông tin trở thành yếu tố quan trọng để đảm bảo sự an toàn và quyền riêng tư của các bên liên quan. Các Tòa án tại Đà Nẵng đã triển khai một số biện pháp bảo mật cơ bản, như mã hóa dữ liệu và phân quyền truy cập để bảo vệ các hồ sơ vụ án. Tuy vậy, trong các vụ án phức tạp hoặc có tính nhạy cảm, đòi hỏi sự tăng cường về bảo mật và các biện pháp bảo vệ tối ưu hơn nhằm tránh rò rỉ thông tin và ngăn ngừa các mối đe dọa an ninh mạng.

7-11-chuyendoiso-12.jpg
Các Tòa án tại Đà Nẵng đã tiến hành áp dụng một số công nghệ vào công tác xét xử, từng bước xây dựng một hệ thống hoạt động thông minh và giảm thiểu thủ tục hành chính.

Đồng chí Nguyễn Thị Cảnh, Thành ủy viên - Chánh án TAND TP. Đà Nẵng, cho biết: Lãnh đạo xác định rằng, công cuộc chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử là nhiệm vụ cấp bách, góp phần quan trọng vào thành công của chiến lược cải cách tư pháp. Theo Nghị quyết của Ban cán sự đảng TANDTC và Thành ủy Đà Nẵng, TAND TP. Đà Nẵng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nổi bật như: Từ năm 2017, Tòa án đã đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin pháp luật, cập nhật lịch xét xử và minh bạch hóa hoạt động tòa án cho người dân. Các phần mềm quản lý hồ sơ, phân án ngẫu nhiên và báo cáo dữ liệu giúp nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý án.

Tòa án thành phố công khai bản án có hiệu lực pháp luật trên cổng thông tin điện tử, tạo nguồn tham khảo phong phú cho các thẩm phán và nâng cao tính minh bạch. Từ năm 2022, hệ thống Trợ lý ảo hỗ trợ tra cứu quy định pháp luật và giải quyết tình huống pháp lý nhanh chóng, chính xác nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Các hội nghị trực tuyến được tổ chức định kỳ, kết nối các Tòa cấp huyện đến TANDTC, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Đặc biệt, trong năm, TAND hai cấp thành phố đã tổ chức thành công 104 vụ án, trong đó 08 phiên tòa hành chính, có một số vụ án kết nối với 12 tỉnh thành phố trong địa hạt xét xử của TANDCC tại Đà Nẵng. Hướng tới một nền tư pháp hiện đại, theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, TAND các cấp đang từng bước đổi mới tổ chức và hoạt động, phục vụ công lý, bảo vệ quyền con người, phục vụ nhân dân.

Vượt qua thách thức để xây dựng một hệ thống tư pháp hiện đại và hiệu quả

Bên cạnh những cạnh thành công, các Tòa án tại Đà Nẵng cũng đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số cần vượt qua để xây dựng một hệ thống tư pháp hiện đại và hiệu quả. Hạ tầng công nghệ không đồng bộ là thách thức đầu tiên mà các đơn vị Tòa án tại Đà Nẵng phải đối mặt. Việc thiếu thốn về hệ thống mạng tốc độ cao, thiết bị hỗ trợ cho việc xét xử trực tuyến tại một số đơn vị đã làm chậm tiến trình áp dụng công nghệ, gây khó khăn trong việc đồng bộ hóa các hoạt động giữa các đơn vị. Điều này cũng tạo ra những bất cập trong việc đảm bảo công bằng và hiệu quả xử lý.

Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số và tại các Tòa án Đà Nẵng, vấn đề này vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Nhiều cán bộ vẫn chưa được đào tạo sâu về công nghệ, chưa có kỹ năng sử dụng các phần mềm chuyên dụng hoặc chưa quen thuộc với quản lý dữ liệu số. Để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi, cần có thêm các chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng công nghệ cho cán bộ, đặc biệt trong việc sử dụng các công cụ và phần mềm tiên tiến.

Đầu tư vào hạ tầng công nghệ và thiết bị hiện đại đòi hỏi nguồn tài chính không nhỏ và đây là một rào cản lớn trong quá trình chuyển đổi số tại các Tòa án Đà Nẵng. Các đơn vị Tòa án hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước, vốn có giới hạn và phải ưu tiên cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Để đảm bảo tiến độ chuyển đổi số, cần có các nguồn tài trợ bổ sung từ các tổ chức hoặc có các chính sách hỗ trợ cụ thể hơn từ Nhà nước.

7-11-chuyendoiso-13.jpg
Khi chuyển đổi số, bảo mật thông tin trở thành yếu tố quan trọng để đảm bảo sự an toàn và quyền riêng tư của các bên liên quan.

Bên cạnh việc triển khai, các Tòa án cần chú trọng vào tính ổn định và độ tin cậy của các hệ thống công nghệ. Các sự cố như lỗi kết nối, phần mềm ngừng hoạt động, hoặc lỗ hổng bảo mật không chỉ ảnh hưởng đến tiến trình xét xử mà còn làm suy giảm lòng tin của công chúng vào hệ thống tư pháp. Ví dụ, trong một phiên tòa trực tuyến, nếu hệ thống mạng gặp sự cố hoặc kết nối gián đoạn, không chỉ ảnh hưởng tới thời gian và chi phí của phiên tòa, mà còn có thể tạo ra bất bình đẳng trong việc tiếp cận công lý.

Trên thực tế, chúng ta thấy rằng, Chính phủ đã và đang ban hành các chính sách khuyến khích các cơ quan công quyền thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó có hệ thống Tòa án. Đây là nền tảng vững chắc giúp hệ thống Tòa án nói chung, các đơn vị Tòa án tại Đà Nẵng nói riêng tiếp cận với các nguồn tài nguyên, kỹ thuật tiên tiến và đặc biệt là các chương trình đào tạo từ các tổ chức có chuyên môn. Những hỗ trợ này sẽ tạo động lực cho việc đào tạo và phát triển năng lực nhân viên, đồng thời giúp cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và bảo mật thông tin.

Cùng với đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) được dự báo sẽ là hai yếu tố chủ chốt trong cải cách tư pháp. Các Tòa án Đà Nẵng có thể sử dụng AI để hỗ trợ phân tích vụ án, quản lý và xử lý các vụ án phức tạp, từ đó tối ưu hóa thời gian xét xử và tăng cường tính chính xác. Ví dụ, hệ thống AI có thể tự động phân loại các vụ án, đề xuất các tài liệu tham khảo và giúp các thẩm phán đưa ra phán quyết nhanh chóng và công bằng.

Chuyển đổi số đang mang đến những thay đổi tích cực cho hệ thống Tòa án tại TP. Đà Nẵng, từ việc cải thiện quy trình xét xử, đảm bảo tính minh bạch, đến nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, những thách thức về hạ tầng, nhân lực và tài chính vẫn còn tồn tại và đòi hỏi các đơn vị phải có các giải pháp cụ thể, đồng bộ. Vậy giải pháp thiết thực nào giúp các Tòa án tại Đà Nẵng vượt qua những rào cản này, tiến tới xây dựng một nền tảng tư pháp số hóa hiện đại và vững mạnh? Mời bạn đọc Báo Công lý đón đọc ở bài tiếp theo.

Trang Trần