Vụ án Hạc Thành Tower- kỳ 3: Cái khó ló cái liều
Sợ việc lập dự án đầu tư xây dựng thời gian sẽ rất lâu, cùng với đó xác định tiền sử dụng đất khó cho khâu lập tổng mức đầu tư và hiệu quả dự án nên chủ đầu tư đã “nhảy số” bằng cách xin cấp trên phê duyệt hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất cho dự án Hạc Thành Tower. Bước làm tắt này chính là nút thắt khiến loạt quan chức “nhúng chàm”.
Cơ quan chức năng xác định, công ty Sông Mã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho xác định mức thu tiền sử dụng đất theo đơn giá hiện hành (hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất 50 năm) trái quy định. Sau khi công ty nộp đủ số tiền sử dụng đất theo quy định sẽ giao đất cho công ty và công ty sẽ lập dự án đầu tư xây dựng trình duyệt và tổ chức thực hiện".
Ngày 29/6/2009, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa ký Công văn số 3164/UBND-KTTC gửi Sở Tài chính và Công ty Sông Mã, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Chu Phạm Ngọc Hiển “...giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành và đơn vị có liên quan nghiên cứu đề nghị của Công ty Sông Mã, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định”.
Đến ngày 26/10/2009, Sở Tài chính có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xác định mục đích sử dụng đất của dự án là đất ở, thời hạn sử dụng lâu dài. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất giao lâu dài cho 2.706m² tại nhà số 3 Phan Chu Trinh cho Công ty Sông Mã là 21.000.000 đ/m2; tổng tiền sử dụng đất phải nộp là 56.826.000.000 đồng... Tới ngày 02/11/2009, ông Chu Phạm Ngọc Hiển ký quyết định phê duyệt giá giao đất như đề nghị trên cho Công ty Sông Mã.
Vào ngày 15/9/2010, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Sông Mã, gồm: Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch; Đinh Xuân Hướng, Lê Văn Kiểu, Nguyễn Thúc Ngân, Hoàng Thị Thu Hằng, Lê Hoàng Linh, Thành viên HĐQT ban hành nghị quyết, thống nhất chủ trương liên danh với Công ty TNHH Huy Hoàng để đầu tư xây dựng dự án theo quy hoạch trên nền đất nhà số 3 Phan Chu Trinh cũ, không thành lập pháp nhân mới.
Do không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, Công ty TNHH MTV Sông Mã đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Chợ Lam Sơn vay 12.960.000.000 đồng và hợp đồng với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, vay 12.960.000.000 đồng.
Đồng thời ký đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Huy Hoàng, thống nhất: Công ty TNHH Huy Hoàng sẽ đầu tư xây dựng phần diện tích khoảng 1.100 m², Công ty TNHH MTV Sông Mã sẽ đầu tư xây dựng diện tích khoảng 1.400 m².
Đến ngày 28/01/2011, Công ty TNHH MTV Sông Mã đã nộp tiền sử dụng đất dự án Hạc Thành Tower là 48.637.000.000 đồng vào Ngân sách Nhà nước.
Ngày 28/4/2011, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cấp Chứng chỉ quy hoạch cho Công ty TNHH MTV Sông Mã để làm cơ sở lập tổng mặt bằng xây dựng và thủ tục đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower.
Trên cơ sở này, ngày 03/8/2011, UBND TP Thanh Hóa ban hành quyết định phê duyệt dự toán bồi thường giải phóng mặt bằng phần tài sản công trình vật kiến trúc đối với Trường Mầm non phường Điện Biên, Dự án Hạc Thành Tower là 444.880.000 đồng, do Công ty Sông Mã chi trả (được trừ vào nguồn tiền sử dụng đất phải nộp).
Ngày 01/12/2011, Cù Đình Hiền, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa ký công văn điều chỉnh thời điểm và xác định lại giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Sông Mã tại thời điểm ngày 30/9/2011.
Để xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, Công ty TNHH MTV Sông Mã và Công ty TNHH kiểm toán tư vấn xây dựng Việt Nam ký hợp đồng xác định tổng tài sản doanh nghiệp là 474.220.633.950 đồng, nợ phải trả là 439.908.076.203 đồng, số dư quỹ phúc lợi khen thưởng là 226.765.137 đồng, tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 33.965.652.177 đồng.
Đối với QSDĐ các khu chung cư, dự án hiện còn tồn 28.159 m² với giá trị 105.028.077.818 đồng (gồm cả Khu đất thực hiện dự án Hạc Thành Tower), Công ty TNHH MTV Sông Mã đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho khách hàng và thu tiền đặt cọc.
Như vậy, trên thực tế QSDĐ theo hợp đồng chuyển nhượng đã thuộc về các khách hàng nhưng đơn vị chưa hạch toán doanh thu do chưa tập hợp đủ chi phí và chưa chuyển QSDĐ cho khách hàng. Do đó, Công ty kiểm toán không xác định lại giá trị diện tích QSDĐ của diện tích đã ký hợp đồng chuyển nhượng và đồng thời xin ý kiến của UBND tỉnh Thanh Hóa về diện tích đất nêu trên.
Giá trị phần vốn Nhà nước tại Công ty TNHH MTV Sông Mã sẽ thay đổi theo quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa. Ngày 13/01/2012, ông Bùi Văn Tuyển, Chuyên viên Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp; ông Trương Thành Long, Phó Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp và bà Lê Thị Thúy Vinh, Chuyên viên Sở Tài chính và Công ty TNHH MTV Sông Mã (Đinh Xuân Hướng, Hoàng Thị Huyền) tổ chức thẩm định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản của công ty TNHH MTV Sông Mã.
Ngay sau đó Ban chỉ đạo cổ phần hóa gồm: Sở Tài chính, Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Sở Lao động thương binh và xã hội và Công ty TNHH MTV Sông Mã tổ chức hội nghị thẩm định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản của công ty TNHH MTV Sông Mã.
Căn cứ các kết quả thẩm định, ngày 23/02/2012, ông Nguyễn Lương Thăng, Phó Giám đốc Sở Tài chính ký tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tổng giá trị tài sản doanh nghiệp đến thời điểm 30/9/2011 là 474.397.721.950 đồng, tài sản không cần dùng là 25.140.433 đồng, tài sản hình thành từ quỹ phúc lợi 95.000.000 đồng.
Nợ thực tế phải trả 439.908.076.203 đồng (có bao gồm tiền vay của Công ty Huy Hoàng, Công ty Bất động sản và Công ty Chợ Lam Sơn nộp tiền sử dụng 2.307,04 m² đất, tổng số tiền là 54.214.200.000.000 đồng, tương đương 21.000.000 đồng/m²), số dư quỹ khen thưởng phúc lợi là 226.765.137 đồng, giá trị thực tế vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 34.142.740.177 đồng.
Trên cơ sở đó, ngày 05/4/2012 ông Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định số 919/QĐ-UBND về giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa theo đề nghị của Sở Tài chính là đã xác định giá trị khu đất số 3 Phan Chu Trinh vào giá trị của Công ty TNHH MTV Sông Mã khi cổ phần hóa, với giá thu tiền sử dụng đất là 21.000.000 đồng/m².
Vụ án Hạc Thành Tower- Kỳ 4: Gây thất thoát lớn, tiền tỷ bỏ túi