Vấn đề quan tâm

Để trẻ dưới 10 tuổi ngồi cạnh ghế lái – không chỉ là chuyện xử phạt

Nguyễn Cúc 06/11/2024 - 20:43

Đề xuất xử phạt người điều khiển ô tô cho trẻ dưới 10 tuổi, cao dưới 1,35m ngồi hàng ghế trước khi lái xe nhằm nâng cao trách nhiệm bảo vệ an toàn, tính mạng cho trẻ em trong tham gia giao thông.

Dự thảo Nghị định mới của Bộ Công an đề xuất xử phạt người điều khiển ô tô từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng nếu chở trẻ dưới 10 tuổi, cao dưới 1,35m mà để trẻ ngồi hàng ghế trước hoặc không trang bị thiết bị an toàn phù hợp. Đây là một trong những động thái nhằm nâng cao an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, xuất phát từ những rủi ro đáng kể mà trẻ em đối diện khi ngồi ở vị trí không an toàn trên xe.

oto.jpg
Ảnh minh họa

Theo quy định trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ năm 2026, trẻ dưới 10 tuổi, cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với người lái. Trẻ dưới 4 tuổi phải ngồi trên ghế chuyên dụng, trừ khi di chuyển trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách. Điều này không chỉ nhấn mạnh trách nhiệm của người lái xe trong việc kiểm tra và hướng dẫn thắt dây an toàn cho trẻ, mà còn đặt vấn đề bảo vệ trẻ em lên hàng đầu.

Việc yêu cầu trẻ ngồi ghế sau, sử dụng ghế an toàn riêng là bởi vị trí hàng ghế trước thường gặp rủi ro cao khi xảy ra va chạm. Ghế trước nằm gần nhất với điểm tiếp xúc đầu tiên trong các tai nạn, khiến trẻ nhỏ ngồi ở vị trí này dễ bị tổn thương nghiêm trọng. Hơn nữa, hệ thống an toàn như dây đai và túi khí trong ô tô thường được thiết kế phù hợp cho người lớn, trong khi trẻ em lại có kích thước cơ thể nhỏ, không tương thích với các thiết bị này, dễ dẫn đến nguy cơ bị thương tích nặng nếu gặp va chạm.

Đặc điểm hiếu động và khả năng tự chủ chưa hoàn thiện của trẻ em cũng là một lý do khiến ghế sau trở thành vị trí an toàn hơn. Khi ngồi ở ghế trước, trẻ dễ phân tâm và có thể làm gián đoạn sự tập trung của người lái, góp phần gây nên tai nạn. Hơn nữa, cơ thể trẻ em còn trong giai đoạn phát triển, hệ xương chưa đủ vững chắc nên việc ngồi phía trước lại càng làm tăng nguy cơ tổn thương khi gặp tác động mạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, học hỏi từ những nước phát triển, ngoài việc quy định pháp luật về vị trí ngồi và thiết bị an toàn cho trẻ, Việt Nam cũng cần tiến hành các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của các quy định này. Đồng thời, cần xem xét đưa ra các tiêu chuẩn quốc gia cho ghế ngồi an toàn cho trẻ em, đảm bảo rằng cả nhà sản xuất ô tô lẫn ghế ngồi đều tuân thủ nghiêm ngặt để bảo vệ tối đa tính mạng và sự an toàn cho trẻ.

Nguyễn Cúc