Tài chính - Ngân hàng

Loạt yếu tố vĩ mô "mở đường" hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu

Trang Nguyễn 06/11/2024 - 17:29

Nợ xấu đang trở thành vấn đề nan giải với nhiều ngân hàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn và thiên tai diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các chuyên gia kỳ vọng các yếu tố vĩ mô, đặc biệt dự án luật liên quan đến nhà đất đã có hiệu lực sẽ “mở đường” để ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo, giảm nợ xấu.

hinh1.jpg

Đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng đã hoàn tất công bố báo cáo tài chính quý III/2024. Nhiều ngân hàng, bao gồm cả những ngân hàng có quy mô lớn cũng ghi nhận tình trạng nợ xấu tăng cao.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế vĩ mô và thiên tai.

Trước hết, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng tốc độ phục hồi còn chậm, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp chưa được cải thiện đáng kể, dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng. Cụ thể, mỗi tháng có khoảng 15.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn nhiều so với con số 10.000 doanh nghiệp trong cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại về vật chất cho người dân và doanh nghiệp rất nặng nề. Nhiều cơ sở sản xuất, chăn nuôi gần như mất trắng, trong khi vốn vay ngân hàng chưa kịp trả cả lãi và gốc.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng là một trong những nguyên nhân đáng kể dẫn đến sự gia tăng nợ xấu. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, gấp 4-5 lần vốn chủ sở hữu, tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ nếu thị trường gặp khó khăn.

Với 70% tài sản bảo đảm tại các ngân hàng là bất động sản, khi thị trường này gặp khó khăn về thanh khoản, các ngân hàng rất khó để xử lý tài sản đảm bảo thông qua việc phát mãi. Ngay cả khi phát mãi thành công, ngân hàng vẫn phải chịu thiệt hại lớn do giá trị tài sản đã giảm đáng kể.

Đơn cử mới đây, Agribank chi nhánh Tràng An tiếp tục thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là hai ngôi biệt thự tại KĐT Ciputra, đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay của và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Dung Phát, Công ty TNHH Thương mại Thành An và Công ty TNHH Đầu tư thương mại XNK quốc tế Minh Ngọc. Trong lần rao bán này, Agribank hạ giá khoảng 29 tỷ đồng đối với hai căn biệt thự so với giá khởi điểm được thông báo cho phiên đấu giá vào tháng 8.

Hay Ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Tân từng thông báo rao bán nhiều lô đất tại Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và TP.HCM với mức giá từ vài tỷ đồng. BIDV cho biết, có 2 lô đất tại TP.HCM đã được rao bán trước đó 11 lần nhưng vẫn chưa có người mua.

Trong cuộc họp giao ban với các ngân hàng đầu tháng 10 vừa qua, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhấn mạnh: “Nợ xấu đang có xu hướng tăng và mức độ tăng cũng khá cao là một vấn đề cần lưu ý. Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, tỷ lệ này có thể lên tới khoảng 6 - 9%”.

Các chuyên gia đánh giá, điểm tích cực hiện nay là các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ tiến trình xử lý nợ xấu. Các dự án luật sửa đổi mới được thông qua như Luật Đất đai 2024; Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 chính thức có hiệu lực đã tạo cú hích với thị trường bất động sản, giúp thị trường dần ấm lên, tạo thuận lợi cho quá trình xử lý tài sản đảm bảo (chủ yếu là bất động sản), thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.

Đặc biệt, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ đầu tháng 7. Theo các quy định mới, từ ngày 1/8/2024, ngân hàng sẽ được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Luật cũng cho phép mở rộng đối tượng và phạm vi mua bán nợ xấu, bao gồm cả việc mua nợ từ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều này sẽ giúp xử lý những khoản nợ xấu đang vay tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng trong và ngoài nước, vốn chưa được xử lý triệt để trước đây.

Trang Nguyễn