Tăng tuổi phục vụ tại ngũ là phù hợp
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, ngày 5/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo dự thảo Luật, khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện "thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định (khoản 1 Điều 13) không quá 5 năm; sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Đại biểu Bế Minh Đức- Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho rằng, việc nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như dự thảo Luật là cần thiết. Bởi, Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 cũng quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%.
Cùng quan điểm, Đại biểu Tô Văn Tám- Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ là hợp lý, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành nghề lao động đặc biệt và cũng phù hợp với việc xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh. "Việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ còn nhằm thu hút nhân tài vào quân đội".
Theo Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, việc tăng hạn mức phục vụ tại ngũ với sĩ quan quân đội nhân dân từ 1 - 5 tuổi như thể hiện tại dự thảo Luật sẽ tăng thêm thời gian cũng như mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, làm gia tăng sự tích lũy đối với quỹ bảo hiểm xã hội, góp phần thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng trong các chế độ bảo hiểm xã hội dài hạn.
Ngoài ra, theo Điều 24 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hiện hành quy định căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, sĩ quan tại ngũ được biệt phái đến công tác ở cơ quan, tổ chức ngoài quân đội, do cấp có thẩm quyền quyết định.
Tuy nhiên, theo Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Luật hiện hành và dự thảo Luật không có quy định về việc bảo đảm quyền lợi của sĩ quan sau khi hết hạn biệt phái. "Do đó, đề nghị bổ sung chế độ, chính sách đối với sĩ quan khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái".