An ninh trật tự

Tội phạm buôn bán hàng cấm gia tăng dịp cuối năm

Thanh Phương 05/11/2024 - 08:16

Càng về cuối năm, nhất là dịp gần Tết Nguyên đán các đối tượng lại tích cực thực hiện nhiều hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm để trục lợi. Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đang tích cực tuần tra, kiểm soát, đấu tranh với các hành vi tinh vi của loại tội phạm này.

Qua công tác tuần tra, kiểm soát, tại tuyến đường Quốc lộ 12B thuộc địa bàn thôn Yên Đồng, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) Tổ công tác của Công an thành phố Tam Điệp vừa phát hiện, bắt quả tang Lê Thị Quyên (SN 1995, trú tại thôn Yên Đồng, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp) tàng trữ trái phép 20 cây thuốc nhãn hiệu 555 với 200 bao thuốc do nước ngoài sản xuất.

thuocla.jpg
Tang vật thu giữ trong vụ việc

Thi hành lệnh khám xét chỗ ở của Lê Thị Quyên, Tổ công tác tiếp tục phát hiện, thu giữ thêm 147 cây thuốc lá nhãn hiệu 555 với 1470 bao thuốc; 60 cây thuốc lá nhãn hiệu Zouk với 600 bao thuốc đều do nước ngoài sản xuất.

Quá trình làm việc, Lê Thị Quyên khai số thuốc lá trên là do Quyên mua trên mạng xã hội đem về bán kiếm lời (thuốc lá điếu nhập lậu là mặt hàng cấm kinh doanh).

Hiện Công an thành phố Tam Điệp đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Luật sư Trịnh Thị Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Sao Việt) cho biết, căn cứ khoản 5 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP giải thích: "Hàng cấm” gồm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành và hàng hóa cấm sử dụng tại Việt Nam.

Theo đó, hàng cấm là những mặt hàng bị Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam. Các mặt hàng bị cấm do có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, kinh tế, an ninh, trật tự an toàn xã hội và môi trường.

Luật pháp Việt Nam quy định rất nghiêm ngặt về việc kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng hàng cấm. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Căn cứ Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 40 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội sản xuất buôn bán hàng cấm: Người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm tùy theo mức độ vi phạm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp pháp nhân phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

Pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Căn cứ Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi buôn bán hàng cấm nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng tùy theo tính chất, mức độ.

Ngoài ra có các hình thức phạt bổ sung gồm tịch thu tang vật; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng. Cơ quan chức năng sẽ buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Tổ chức có hành vi vi phạm thì phạt tiền gấp hai lần cá nhân.

Thanh Phương