Kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách bảo hiểm lũ lụt
Trước tác động ngày càng sâu sắc của biến đổi khí hậu, Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xem xét ban hành chính sách bảo hiểm lũ lụt. Bổ sung đầu tư ngân sách hỗ trợ khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống người dân.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 4/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Cụ thể, Quốc hội thảo luận về 4 nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm thiên tai
Trước tác động ngày càng sâu sắc của biến đổi khí hậu, Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng kiến nghị 5 vấn đề gồm:
Nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xem xét ban hành chính sách bảo hiểm lũ lụt; Bổ sung đầu tư ngân sách cho 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và tỉnh Thanh Hóa để hỗ trợ khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống người dân. Đồng thời đề nghị Chính phủ ưu tiên, quan tâm cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là thông qua hợp tác quốc tế.
Phân công Bộ, ngành chuyên môn tiến hành khảo sát, lập báo cáo về bản đồ, xác định, đánh giá những nơi có địa chất không ổn định để tiến đến phương án quy hoạch, cảnh báo nghiêm ngặt. Nghiên cứu đưa ra những quy chuẩn riêng trong thiết kế xây dựng phù hợp với địa chất, địa hình, địa chất.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ, ngành liên quan sớm phân tích, đánh giá và ban hành các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy mô và điều kiện thích hợp ở từng vùng trong việc tích trữ và sử dụng nước mưa làm cơ sở để người dân an tâm thực hiện.
Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội tạo cơ chế, chính sách tiếp sức mạnh mẽ hơn nữa, giúp cho vùng khơi thông dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để tạo ra bước đột phá trong đầu tư và phát triển trong thời gian tới.
Cần có các giải pháp mạnh mẽ ứng phó với thiên tai
Cùng quan điểm, Đại biểu Hà Sỹ Đồng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp căn cơ để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển xanh.
Bên cạnh đó, dành nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2026- 2030 xây dựng Đề án chống xâm nhập mặn và Đề án chống sạt lở gắn với di dân, tái định cư, ưu tiên đặc biệt cho những vùng bờ sông, bờ biển, vùng núi có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống, việc làm và an toàn tính mạng của người dân.
“Chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ từ sớm, từ xa. Không thể mỗi đợt thiên tai lại cướp đi sinh mạng hàng trăm, hàng ngàn người như thời gian vừa qua”- đại biểu Đồng nhấn mạnh.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Bộ Tài chính xử lý dứt điểm vấn đề tài sản công, trụ sở của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn địa phương đã xây mới hoặc di dời đi nơi khác, tránh tình trạng hoang hóa, mất mỹ quan đô thị và lãng phí tài sản. Đồng thời, có các giải pháp để khắc phục tình trạng nhân lực chất lượng cao ở khu vực công chuyển sang khu vực tư nhân trong thời gian tới.