Thanh Hóa tiến tới là địa phương “sạch” về ma túy
Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai Đề án xây dựng “Xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2024- 2025", các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đã lần lượt triển khai thực hiện có hiệu quả.
Thực hiện Đề án, Công an tỉnh Thanh Hóa sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đấu tranh với tội phạm ma túy, triệt xóa các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy, kiên quyết không để hình thành điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.
Đề án cũng sẽ tăng cường công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, công tác cai nghiện, quản lý sau cai và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng người sau cai nghiện, đối tượng chấp hành xong hình phạt tù về ma túy; quyết tâm hoàn thành việc xây dựng 100% xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy theo tiêu chí của Bộ Công an trong năm 2025.
Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu xây dựng ở tất cả 27/27 huyện, thị xã, thành phố với 100% xã, phường, thị trấn đạt được các tiêu chí. Cụ thể, 100% người nghiện ma túy trên địa bàn xã, phường, thị trấn được phát hiện, có hồ sơ quản lý và tham gia các hình thức cai nghiện/điều trị nghiện phù hợp; có tổng số dưới 10 người nghiện ma túy ngoài cộng đồng và được quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ; có kết quả âm tính khi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể cách thời điểm đề nghị công nhận không quá 30 ngày.
Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng đặt mục tiêu 100% người sử dụng trái phép chất ma túy, người có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” cư trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn được phát hiện, lập hồ sơ quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ theo quy định; đồng thời có kết quả âm tính khi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, cách thời điểm đề nghị công nhận không quá 30 ngày; 100% người sau cai nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, được giám sát chặt chẽ và định kỳ, đột xuất phải được xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng; được tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ tìm kiếm việc làm…
Tại huyện Hà Trung, theo kết quả rà soát, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn huyện tính đến thời điểm ngày 1/11/2024 là 100 người, số người sử dụng trái phép chất ma túy là 3 người, số người thuộc diện quản lý sau cai nghiện là 48 người, số người nghi sử dụng trái phép chất ma túy là 54 người, số xã, thị trấn có tệ nạn ma túy là 20 xã, thị trấn.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng “Xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2024 – 2025”, huyện Hà Trung xác định rõ mục tiêu, yêu cầu và 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện Đề án, đồng thời ban hành bộ tiêu chí đánh giá, công nhận xã, thị trấn, huyện không ma túy và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị xã hội trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
Ông Lê Văn Dậu, Bí thư Huyện ủy Hà Trung cho biết: "Để chủ động phòng, chống và kiểm soát ma tuý, cần phải phát huy được vai trò, trách nhiệm và sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng công an đóng vai trò tham mưu nòng cốt. Phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm, quyết liệt và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội".
Còn tại huyện Đông Sơn, ông Lê Trọng Thụ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn nhấn mạnh: "Phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, thường xuyên liên tục và lâu dài, vừa là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị và của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Công tác xây dựng “xã, thị trấn, huyện không ma túy” phải hết sức khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ, thực chất, căn cơ và bài bản nhằm tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, quyết tâm hoàn thành 100% xã, thị trấn, huyện không ma túy theo tiêu chí của Bộ Công an và Công an tỉnh trong năm 2025".
Để đạt được mục tiêu đặt ra đến năm 2025 không còn ma túy trên địa bàn, ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm: Phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm, quyết liệt và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể, trong đó lực lượng công an là nòng cốt…