Văn hóa - Du lịch

Trần Lưu Mỹ - Tiếng hét vô thanh

Đỗ Lai Thúy 04/11/2024 09:52

Khoảng trống dường như là một biểu tượng - ám ảnh lớn đối với Trần Lưu Mỹ. Nó theo anh suốt cả 3 triển lãm. Nó không chỉ là một nhan đề thông lệ, mà là âm hưởng chủ đạo của toàn bộ tranh Mỹ.

Tranh trừu tượng vốn dĩ không có những cái “tứ” để hoạ sĩ dựa vào mà vẽ, cũng như người xem dựa vào mà cảm, và hiểu. Nhưng khoảng trống có thể là tứ, hay đúng hơn bóng tứ, dẫn vào thế giới nghệ thuật trừu tượng, mơ hồ của Trần Lưu Mỹ.

kt1.jpg
“Khoảng trống 163”, kích thước 200x200 cm, là một trong những tác phẩm lớn nhất ở triển lãm này.

Khoảng trống trong tranh Mỹ không phải chỉ là khoảng trống thị giác, mà chủ yếu là khoảng trống âm nhạc. Nhưng không phải bằng giai điệu, mà bằng nhịp điệu, một thứ âm nhạc bên trong, âm nhạc nội tâm. Nhịp điệu tranh Mỹ trước hết là nhịp điệu của màu sắc, đường nét, và mảng khối. Chỗ này chúng chồng lấn nhau, chỗ khác chia tách nhau, có chỗ đột ngột dừng sững lại để tạo ra khoảng trống. Nhịp điệu ở tranh Mỹ có khi thư thả, thậm chí buông thả, có khi dồn dập, xoáy lốc. Một nét xanh bâng quơ, một đốm cam bỗng bừng nở cũng tạo nên một khoảng trống. Khoảng trống - nhịp điệu ấy không chỉ được cảm nhận bằng thị giác mà còn được lắng nghe bằng âm thanh. Một thứ thanh vô thanh. Những lời nói không lời. Khoảng trống tranh Trần Lưu Mỹ, bởi vậy, không cố định ở một chỗ, không phụ thuộc vào sự chủ ý của hoạ sỹ, mà tuỳ thuộc vào sự vận hành nội tại của nhịp điệu. Nên nó xuất hiện bất ngờ không chỉ với người thưởng ngoạn, mà cả với chính người sáng tạo.

kt2.jpg
Khoảng trống 170, kích thước 155x155 cm, sáng tác năm 2023.
kt3.jpg
Ký ức về dòng sông II, kích thước 212x128 cm, sáng tác năm 2023.

Khoảng trống vừa là “khoảng thở” của tranh Trần Lưu Mỹ vừa là tiếng thở tâm trí anh. Nó cũng chính là câu chuyện hội hoạ của riêng Mỹ. Bởi khoảng trống ấy như “lỗ sâu đục” trong vũ trụ để người nghệ sỹ có thể đi từ không gian 3 chiều này sang những không gian nhiều chiều khác, đi từ thời gian hiện tại này đến những thời gian trùng phùng, đồng hiện khác. Nó giúp Trần Lưu Mỹ trước hết trốn khỏi ảnh hưởng của “quyền uy người cha”, hoạ sỹ tài danh Trần Lưu Hậu, người thầy của nhiều hoạ sỹ thế hệ anh, người mà Mỹ có tình cảm nước đôi vừa muốn được như cha vừa muốn được khác cha. Đồng thời, nó cũng đưa Mỹ trở về với miền quê, miền thơ ấu, những cội nguồn nghệ thuật luôn sống thức trong tâm tưởng anh để tạo thành tính hiện đại của tranh anh. Cuối cùng, nó với Mỹ tạo dựng nên một lối vẽ riêng, một nghệ thuật riêng, rất Trần Lưu Mỹ.

kt4.jpg
Bến sông, kích thước 218x165 cm, sáng tác năm 2023.
kt5.jpg
Đầu làng 1, kích thước 198x132 cm, sáng tác năm 2024.

Với một nghệ sỹ, không có câu chuyện thì không có bản sắc, nhưng còn có câu chuyện, thì còn có bản ngã. Mà còn bản ngã, thứ tâm trí quyển ấy, thì còn nhị nguyên: sự lưỡng phân giữa cuộc đời và nghệ thuật, bức tranh và hoạ sỹ, tôi và anh… Ở triển lãm này tranh Trần Lưu Mỹ bớt dần những đối xứng nhị phân ở cả đường nét, màu sắc, nhịp điệu. Mọi thứ dường như trầm hơn, đạm hơn, tĩnh và tinh hơn. Một khí vị thiền bàng bạc, mà linh hoạt. Người xem cảm thấy ở tranh Mỹ có những tín hiệu báo sự đổi thay sắp sửa nào đó, đôi khi mơ hồ đôi khi rõ rệt. Có thể Mỹ còn đang lưỡng lự trước một bước - nhảy - thiền.

Người xưa nói không nên để một sự việc nào đó quá tam ba bận. Hẳn lúc này Mỹ cần một tiếng hét của ai đó hay của chính anh, tiếng hét vô thanh, nhằm đưa cái ngoại vi vào trung tâm, cái phiền trược vào trống rỗng - cửa ngõ dẫn đến đổi thay. Thay đổi không phải là diệt trừ bản ngã, mà là vượt qua bản ngã để đến với chân ngã, vượt qua tâm trí để đến với vô trí. Vượt qua, với thiền giả là đưa giọt nước hoà tan vào biển, còn với nghệ sỹ là đem biển cả kết tụ vào một giọt sương. Trần Lưu Mỹ như còn do dự trước khoảng trống vô biên của cái chưa biết. Liệu anh có đủ dũng khí cho một “cú nhảy lượng tử” vì nghệ thuật của chính Mỹ?

Từ ngày 2 - 8/11 tại Art Space - Trung tâm Phát triển và sáng tạo Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hoạ sĩ Trần Lưu Mỹ sẽ khai mạc triển lãm cá nhân KHOẢNG TRỐNG III, trưng bày gần 30 tác phẩm hội họa trừu tượng biểu hiện, sáng tác trong khoảng 2 năm trở lại đây của ông.

Họa sĩ Trần Lưu Mỹ (SN 1963) tại Hà Nội, tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm 1987, từng tham dự nhiều triển lãm nhóm và đã có 3 triển lãm cá nhân. Ông có bố là họa sĩ Trần Lưu Hậu - một trong những tên tuổi hàng đầu của thế hệ họa sĩ kháng chiến ở Việt Bắc, có tầm ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam.

Đỗ Lai Thúy