Tin địa phương

Đồng Tháp: Hành trình “Đưa đàn Sếu trở về”

Khánh Ngọc 02/11/2024 - 18:02

Ngày 2/11, tại TPHCM, tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình gặp gỡ các đơn vị đồng hành Đề án Bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Tràm Chim - Đồng Tháp. Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện cùng hơn 30 doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế tham dự.

Tại chương trình, tỉnh Đồng Tháp đã quảng bá, giới thiệu về hành trình “Đưa đàn Sếu trở về” của tỉnh, cũng như thông tin về Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032.

Theo đó, mục tiêu chung của Đề án nhằm phục hồi và phát triển đàn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Đàn Sếu đầu đỏ thả ra sẽ có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

2(1).jpg
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phát biểu tại buổi gặp gỡ

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong cho biết, tỉnh Đồng Tháp là vùng đất của hoa sen, vùng đất của Sếu đầu đỏ, mặc dù Đồng Tháp không phải là vùng đất duy nhất Sếu tìm về, nhưng với ý nghĩa, giá trị của Sếu đầu đỏ trong đời sống và sự phát triển của tỉnh Đồng Tháp với người dân Đồng Tháp mỗi mùa Sếu về là một năm đầy may mắn và cũng là niềm vui chung của rất nhiều người.

Trước sự suy giảm mạnh về số lượng Sếu về Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp đã rất trăn trở và quyết tâm thực hiện Đề án Bảo tồn, phát triển Sếu đầu đỏ, với mục tiêu làm sao để Sếu trở về với Đồng Tháp như tìm về mái nhà của mình.

4.jpg
Quang cảnh tại buổi gặp gỡ

Cùng với những đơn vị, đối tác đồng hành bước đầu với tỉnh Đồng Tháp trong bảo tồn Sếu đầu đỏ như: Hội Sếu quốc tế, Công ty Cổ phần C.P Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong mong muốn và kêu gọi sự đồng hành nhiều hơn nữa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hành trình 10 năm của Đề án, trong 10 năm nữa sẽ thấy hình ảnh Sếu đầu đỏ ngày càng nhiều tại Tràm Chim.

Tại buổi gặp gỡ, các chuyên gia về bảo tồn Sếu, tổ chức bảo tồn thiên nhiên đã chia sẻ về những lợi ích to lớn qua việc Đồng Tháp thực hiện Đề án về Sếu đầu đỏ. Trước tiên là tạo ra đàn Sếu định cư quanh năm tại Tràm Chim, phục hồi được hệ sinh thái đất ngập nước tiêu biểu Đồng Tháp Mười và đóng góp vào mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái của tỉnh Đồng Tháp đang triển khai.

3.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện trao quà lưu niệm cho các doanh nghiệp đồng hành bảo tồn Sếu

Cùng với đó, người dân quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim còn được hỗ trợ qua dự án phát triển sinh kế bền vững dựa vào cộng đồng, khai thác sinh kế mùa lũ vùng đệm. Ngoài ra, sự chung tay của các tỉnh, thành lân cận trong bảo tồn hệ sinh thái để Sếu đầu đỏ luôn được sống trong môi trường an toàn nhất cũng được một số chuyên gia đặt ra trong công tác bảo tồn loài chim quý hiếm này.

Với nhiều giá trị mang lại từ công tác bảo tồn, phát triển Sếu đầu đỏ tại Tràm Chim, đông đảo doanh nghiệp, tổ chức quốc tế bày tỏ sự ủng hộ, cam kết đồng hành cùng với tỉnh Đồng Tháp, cũng như sẽ huy động thêm các nguồn lực khác để triển khai thành công Đề án.

Thay mặt cho lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện ghi nhận và trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các tổ chức, các doanh nghiệp, các chuyên gia và cá nhân trong và ngoài nước để tỉnh thực hiện các nội dung nhằm đạt mục tiêu Đề án.

Đây là động lực để tỉnh Đồng Tháp quyết tâm thực hiện để hoàn thành mục tiêu Đề án đề ra nói riêng, những giá trị đa dạng sinh học của vùng ngập nước đặc trưng tại Vườn Quốc gia Tràm Chim nói chung, cũng như giá trị to lớn của hệ sinh thái Khu Ramsar tại tỉnh Đồng Tháp; đặc biệt, là việc khôi phục loài chim quý hiếm – Sếu đầu đỏ tại tỉnh Đồng Tháp.

Khánh Ngọc