Đại biểu Quốc hội: Tránh việc tu bổ trở thành 'làm mới' di tích
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga, nếu đặt mục tiêu cụ thể về số di tích tiến hành tu bổ có thể dẫn đến việc di tích không cần tu bổ cũng tu bổ, có khi lại biến việc tu bổ, tôn tạo thành làm mới di tích như đã từng xảy ra.
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp 8, sáng 1/11, các đại biểu quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Giao địa phương báo cáo thực trạng và đề xuất phương án trùng tu, tôn tạo
Cho ý kiến vào mục tiêu Chương trình “Phấn đấu đến năm 2030 có 95% di tích Quốc gia đặc biệt (tương tương khoảng 127 di tích) và 70% di tích Quốc gia (tương đương khoảng 2542 di tích) được tu bổ tôn tạo và đến năm 2035 có 100% di tích Quốc gia đặc biệt và 80% di tích Quốc gia” (Mục tiêu 3)... đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, các di tích Quốc gia và di tích Quốc gia đặc biệt của Việt Nam phần lớn là các công trình kiến trúc với sự tác động của khí hậu, thời gian, nên đa số đã xuống cấp, cần tu bổ, tôn tạo.
Tuy nhiên, không phải tất cả các di tích này đều cần tôn tạo, tu bổ, nhất là các di tích khảo cổ. Cùng với đó, nhiều năm qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các địa phương cũng đã rất chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo di tích, nên nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo và hàng năm vẫn dành nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích.
Theo đại biểu Nga, nếu đặt mục tiêu cụ thể như Mục tiêu 3 thì dễ dẫn đến việc tu bổ, tôn tạo triệt để, có thể dẫn đến việc di tích không cần tu bổ cũng tu bổ. Lợi bất cập hại ở chỗ có khi lại biến việc tu bổ, tôn tạo thành “làm mới” di tích như đã từng xảy ra. Việc phân bổ nguồn lực như vậy cũng rất dàn trải, không trọng tâm, trọng điểm.
Đại biểu đề nghị chỉ đưa ra con số 100% di tích Quốc gia đặc biệt và 80% di tích Quốc gia đã xuống cấp, cần tu bổ, tôn tạo sẽ được tu bổ, tôn tạo và các địa phương có trách nhiệm rà soát các di tích Quốc gia, di tích Quốc gia đặc biệt, báo cáo thực trạng và đề xuất phương án trùng tu, tôn tạo.
Ưu tiên xác định nhiệm vụ trọng tâm
Cho rằng khi thực hiện các chương trình, dự án thì việc xây dựng chính sách, ban hành văn bản hướng dẫn thường mất nhiều thời gian nên khi triển khai đến địa phương, đến cơ sở thường chậm so với kế hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đề nghị, "ưu tiên xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được triển khai sớm nhất là nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm văn hóa" nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý văn hóa trong cơ chế thị trường, khả năng thích ứng với những thay đổi của công nghệ thông tin và sự giao thoa, du nhập văn hóa.
Đồng thời, cần quyết liệt trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; cách thức, phương pháp, tiêu chí đánh giá kết quả các chỉ tiêu, để khi Chương trình được thông qua thì có đủ cơ sở để triển khai thực hiện sớm nhất.
Theo đại biểu Trình Lam Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, tỷ lệ vốn từ ngân sách địa phương thực hiện chương trình là gần 25%, tương đương trên 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2025-2030.
Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành trong cả nước có nguồn thu chưa đủ cân đối, còn nhận hỗ trợ ngân sách trung ương từ 50% trở lên nên rất khó khăn cho việc đối ứng với tỷ lệ mà chương trình đã dự toán.
Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm về tỷ lệ vốn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình. Bởi vì, hiện nay nhiều địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn nên khó đáp ứng được việc đối ứng với chương trình. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và nếu được thì chúng ta sẽ xây dựng về nguyên tắc, về cơ chế phân bổ cũng như khả năng đối ứng linh hoạt hơn để nhằm hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn về ngân sách.