Nghệ An: Nợ đọng trong xây dựng cơ bản vẫn còn phát sinh
Tình trạng nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư của các dự án đầu tư công mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng. Hiện nay, một số đơn vị vẫn còn nợ phát sinh trước ngày 01/01/2015.
Với những bất cập trên, ngày 29/10, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 9479/UBND-KT về việc tập trung rà soát, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và triển khai thực hiện các dự án chuyển tiếp.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư nghiêm túc rà soát, đối chiếu xác định chính xác số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản bao gồm nợ đọng phát sinh trước ngày 01/01/2015 và nợ đọng phát sinh từ ngày 01/01/2015 trở về sau, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về việc không báo cáo chính xác, đầy đủ về số nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đánh giá về nợ phát sinh trước ngày 01/01/2015: Cơ bản qua các kỳ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An đã tập trung bố trí đủ phần vốn ngân sách tỉnh hoặc ngân sách Trung ương của các dự án trong kế hoạch đầu tư công theo cơ cấu nguồn vốn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cam kết với chủ đầu tư.
Do vậy, phần nợ đọng còn lại của các chủ đầu tư chủ yếu thuộc trách nhiệm trả nợ của ngân sách huyện, xã hoặc huy động vốn hợp pháp khác của chủ đầu tư. Đối với các dự án do Sở, ngành làm chủ đầu tư, cơ bản không có cơ cấu ngân sách huyện, xã nên việc huy động vốn hợp pháp khác của chủ đầu tư sẽ rất khó khăn.
Để có phương án xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản giai đoạn này, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn tập trung bố trí nguồn vốn ngân sách huyện, xã và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc trách nhiệm của ngân sách huyện, xã.
Kiên quyết không bố trí dự án khởi công mới nguồn ngân sách huyện, xã khi chưa bố trí thanh toán hết nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định.
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án do các Sở, ngành làm chủ đầu tư (không có đối ứng ngân sách huyện, xã). Dự án khởi công từ nguồn nào ưu tiên bố trí nguồn vốn đó để bảo đảm cân đối chung theo quy định.
Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc và các chủ đầu tư khác tập trung bố trí nguồn vốn của đơn vị hoặc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư.
Đối với nợ phát sinh từ ngày 01/01/2015 trở về sau: Theo quy định của Luật Đầu tư công, chỉ bố trí vốn đầu tư công để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01/01/2015.
Vì vậy, giao các chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (ngoài vốn kế hoạch đầu tư công) để thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản cho các nhà thầu. Đồng thời quán triệt nghiêm quy định của Luật Đầu tư công, yêu cầu các chủ đầu tư không gây nợ đọng xây dựng cơ bản từ ngày 01/01/2015 trở về sau.
Đề cập về tập trung triển khai thực hiện các dự án chuyển tiếp theo tiến độ, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương có cam kết đối ứng vốn ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã và huy động vốn hợp pháp khác), đến thời điểm hiện nay, phần vốn đối ứng ngân sách địa phương mới chỉ bố trí đạt khoảng 69,14% so với tổng vốn cam kết. Ngoài ra, một số chủ đầu tư đề xuất bố trí kế hoạch trung hạn 2026 -2030 cho một số dự án phải hoàn thành trong giai đoạn 2021 -2025 theo tiến độ được phê duyệt...
Do đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung bố trí đủ vốn ngân sách huyện, xã theo cơ cấu nguồn vốn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện hoàn thành các dự án có sử dụng vốn ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương theo đúng tiến độ phê duyệt.
Các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư tập trung áp dụng mọi biện pháp cần thiết, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch vốn đã được giao, hạn chế tối đa tình trạng phải đề xuất cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn sang giai đoạn 2026 -2030, ảnh hưởng đến nguồn lực chung của tỉnh.